• English

Tin thị trường

EU nhìn nhận tích cực về quan hệ với Việt Nam

Dù đã và đang xúc tiến các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trong khu vực ASEAN, tuy nhiên EU cho rằng Việt Nam đang ở vị thế dẫn đầu trong các FTA này.

Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Michael Bahrens chia sẻ như vậy khi trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng.

 Ngoài FTA đã ký với Việt Nam và Singapore, được biết EU cũng đang xúc tiến đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực. Nhưng vì sao Việt Nam lại được các nước EU quan tâm như ông vừa nêu?

Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán FTA với một số nước khác trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia. Nhưng thông điệp chính của chúng tôi ở đây là Việt Nam đang ở vị thế dẫn đầu trong các FTA giữa các nước trong khu vực với EU ở thời điểm hiện tại.

Nó không phải vì một sự tình cờ nào đó mà hoàn toàn có chủ đích. Nghĩa là EU rõ ràng muốn hợp tác với Việt Nam với tư cách là người tiên phong trong khu vực và FTA này cũng là hiệp định thế hệ mới đầu tiên mà EU đàm phán với các nước đang phát triển, trong đó nhấn mạnh đến tính công bằng, minh bạch…

Về phía Việt Nam, theo ông EVFTA sẽ giúp gì cho chúng tôi trong bối cảnh hiện nay?

Trong bối cảnh TPP đang trở nên khó đoán định, EVFTA có khả năng trở thành hiệp định dẫn chiếu trong quá trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam trong năm 2017 cũng như sau này. EVFTA cũng giúp Việt Nam trở thành điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các DN châu Âu. Điều này là vì Việt Nam không chỉ có tiềm năng, mà còn là đầu mối của thị trường ASEAN trong tương lai.

Ông vừa nhắc đến TPP, hiệp định đã phải dừng lại sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ. Trong khi đó năm nay, nhiều quốc gia thành viên EU sẽ bầu cử tổng thống, thủ tướng, với diễn biến đến nay cho thấy tình hình khá phức tạp? Liệu có rủi ro gì với EVFTA?

Chúng ta không thể loại trừ 100% rủi ro. Nhưng các nước châu Âu có cái nhìn rất tích cực về Việt Nam nên tôi cho rằng, sẽ không có vấn đề gì đáng quan ngại về thương mại. Châu Âu rất quan tâm hợp tác, hỗ trợ Việt Nam. Đây vừa là một lợi thế rất lớn của Việt Nam và cũng sẽ là một phần trong bức tranh mà Quốc hội tại các nước thành viên EU tính tới trong xem xét phê chuẩn Hiệp định này. Nên tôi tin tưởng EVFTA sẽ được hai bên phê chuẩn và có hiệu lực từ năm tới.

Vậy ngay trong thời gian tới đây, những công việc cụ thể hai bên cần triển khai để hiện thực hóa cơ hội trên là gì?

Năm 2017 thật sự là thời điểm chúng ta cần phải đối thoại, bàn bạc và thảo luận tác động tích cực về kinh tế - xã hội của EVFTA. EuroCham nhận thức được nhu cầu thông tin ngày càng tăng từ cơ quan Chính phủ, các UBND tỉnh, thành phố và các DN. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ, chính quyền địa phương và các bên liên quan để có những đối thoại mang tính xây dựng, đem lại lợi ích cho công tác hoạch định chính sách và đóng góp cho môi trường kinh doanh ngày càng tiến bộ tại Việt Nam.

Việt Nam cần tiến hành các công việc liên quan để hoàn tất công tác chuẩn bị và thông qua Hiệp định. Chúng tôi đã thấy được Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để tiến hành những công việc như vậy. Như sự kiện công bố Sách Trắng gần đây của chúng tôi đã thu hút tới hơn 500 người tham dự, với nhiều hơn rất nhiều các quan chức Chính phủ Việt Nam tham gia so với trước đây, tức là cho thấy mọi người ngày càng quan tâm.

Mới đây, chúng tôi cũng đã gặp và làm việc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và nhất trí thúc đẩy tiếp các công việc cần hoàn tất. Còn về phía EU, chúng tôi cũng phải nỗ lực để đảm bảo Quốc hội các nước thành viên hiểu về những lợi ích của Hiệp định và tiến tới phê chuẩn.

Về phía cộng đồng các DN thì sao, họ phải chuẩn bị gì cho EVFTA?

Tôi nghĩ về phía Việt Nam thì các DN đã có hiểu biết tốt hơn về EVFTA. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo với các DN, trong đó đã nói với họ về các lợi ích như vấn đề an toàn thực phẩm, vì nếu tuân thủ tốt thì cơ hội sẽ lớn hơn. Và chúng tôi muốn làm việc với phía Việt Nam để chắc chắn rằng, các sản phẩm thực phẩm phải đảm bảo an toàn chất lượng, đạt các tiêu chuẩn đặt ra, chứ không chỉ đảm bảo về số lượng.

Về phía EU thì các DN của chúng tôi cũng nhìn thấy rất nhiều lợi ích từ hiệp định này. Như trong khoảng 2-3 năm vừa qua, rõ ràng họ cũng đã có sự chuẩn bị cho EVFTA sắp có hiệu lực. Ngày càng có nhiều DN EU đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh và triển khai hoạt động tại đây. Theo ghi nhận của chúng tôi, mức tăng trưởng DN vào Việt Nam đầu tư kinh doanh lên tới khoảng 15-20% trong vòng 2-3 năm trở lại đây.

Việt Nam đang trong quá trình cải cách nền kinh tế, hoạt động điều hành... Để chuẩn bị tốt nhất cho EVFTA, EuroCham có khuyến nghị gì cho chúng tôi?

Việt Nam đã triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý với tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức một con số, cùng với đó là tăng cường sửa đổi hệ thống pháp luật để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận thị trường... Các nhà đầu tư tin tưởng vào sự ổn định hiện tại. Đây là một yếu tố khiến nguồn vốn FDI luôn đạt mức cao trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết. Như một vấn đề được các thành viên của chúng tôi đề cập là nhiều nhà đầu tư vẫn gặp phải những trở ngại khi làm việc với hệ thống hành chính của Việt Nam. Việc đăng ký kinh doanh, thông quan, hậu cần giao thông hay các thủ tục hành chính khác cũng còn chậm trễ, và nhiều khi kết quả xử lý hồ sơ không lường trước được.

Điều này khiến các DN phải tiêu tốn nhiều nguồn lực cho các thủ tục hành chính, mà đáng lẽ có thể sử dụng để phát triển các hoạt động kinh doanh trọng tâm của mình. Một số thành viên cũng nhận xét, người lao động Việt Nam rất tích cực nhưng họ vẫn cần phải được đào tạo thêm, tức là sẽ tốn thêm thời gian và chi phí.

Là một tổ chức đại diện cho cộng động DN châu Âu tại Việt Nam, EuroCham thường xuyên thông qua các chương trình làm việc, Sách Trắng… để trình bày những vấn đề cốt yếu mà các thành viên của chúng tôi đang gặp phải trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và đưa ra các kiến nghị.

Trong thời gian tới, EuroCham hy vọng sẽ tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng và tăng cường hợp tác với các cơ quan hữu quan để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, từ đó giúp cải thiện môi trường kinh doanh cũng như đóng góp vào quá trình hiện đại hóa của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Bên cạnh FDI, mối quan hệ thương mại bền vững giữa Việt Nam và EU cũng được thể hiện qua các chương trình như Dự án Hỗ trợ thương mại Đa biên (MUTRAP) được thực hiện từ năm 1998 với ngân sách hơn 35,37 tỷ Euro cho các dự án hỗ trợ đầu tư và thương mại quốc tế. Dự án MUTRAP đã hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO và đến nay dự án vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết thương mại.

Cam kết mạnh mẽ của EU về hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới cũng được thể hiện rõ ràng qua các chương trình viện trợ của EU. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến 2020 của Việt Nam, viện trợ của EU thông qua chương trình định hướng hỗ trợ đa niên cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020 đã được tăng thêm 30% và đạt mốc 400 triệu Euro, trong đó mục tiêu trọng tâm là phát triển năng lượng sạch.

Đỗ Lê (Nguồn Thời Báo Ngân hàng)

Đăng ký nhận tin
KienlongBank