Với mục tiêu tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch giảm mạnh ngân sách cho ngành y tế dù khu vực này đối mặt với tình trạng thiếu dược phẩm lâu nay.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ordizia, Tây Ban Nha ngày 8/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Kế hoạch nằm trong khuôn khổ thỏa thuận ngân sách dài hạn được lãnh đạo 27 nước thành viên EU nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua.
Cụ thể, các lãnh đạo EU nhất trí giảm 80% ngân sách cho lĩnh vực y tế xuống còn 1,7 tỷ euro đến năm 2027 để ưu tiên cho mục tiêu cấp bách là phục hồi kinh tế châu lục. Quyết định này được đưa ra dù EU trong nhiều năm qua phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu các loại dược phẩm quan trọng, trong đó có kháng sinh và vaccine.
Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và những nước ngoài châu lục tạm dừng xuất khẩu thuốc để tập trung vào thị trường nội địa. EU vốn phụ thuộc vào nguồn cung thuốc và các thành phần thuốc của Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện các nước thành viên EU đang gặp khó khăn trong việc nhập những loại thuốc cần thiết để điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng.
Trước đó, Ủy ban châu Âu đề xuất lập một ngân sách y tế chung trong giai đoạn 7 năm có trị giá 9,4 tỷ euro. EU từng đề ra các ưu đãi tài chính để các nhà sản xuất dược phẩm chuyển một số nhà máy từ châu Á sang châu Âu, nhưng giờ đây khả năng sẽ điều chỉnh lại kế hoạch này.
Sau 5 ngày đàm phán ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã đạt đồng thuận về kế hoạch ngân sách lên tới hơn 1.800 tỷ euro, gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro. Theo Hội đồng châu Âu, gói ngân sách này sẽ là công cụ chính để giải quyết các hậu quả kinh tế xã hội do dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu cảnh báo sẽ không dễ dàng phê chuẩn thỏa thuận ngân sách này.
Theo baotintuc.vn