Nới chỉ tiêu theo độ an toàn hoạt động
NHNN vừa đưa ra Dự thảo thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của TCTD phi NH (PNH) với nhiều quy định chặt chẽ. Lý giải về việc đưa ra Dự thảo Thông tư trên trong thời điểm này, cơ quan soạn thảo cho biết, Luật Các TCTD năm 2010 đã có hiệu lực thi hành và có nhiều định hướng mới so với Luật Các TCTD 1997 về mạng lưới hoạt động của các TCTD. Bên cạnh đó, Nghị định 39 đã quy định về các loại hình TCTD PNH bao gồm Công ty tài chính (CTTC) tổng hợp và CTTC chuyên ngành gồm CTTC tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính…
Vấn đề đặt ra, nội dung quy định này lại có điểm khác biệt so với các văn bản hướng dẫn Luật Các TCTD 1997 trước đây chỉ quy định TCTD PNH bao gồm CTTC và Công ty cho thuê tài chính. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước nhận thấy sự cần thiết phải ban hành Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của TCTD PNH, tạo cơ sở pháp lý để các loại hình TCTD PNH có cơ sở triển khai hoạt động, phát triển mạng lưới.
Một trong những quy định tại Dự thảo thông tư rất được quan tâm đó là TCTD PNH được mở chi nhánh theo thâm niên hoạt động. Cụ thể, trong 1 năm tài chính, TCTD PNH hoạt động dưới 12 tháng được phép thành lập không quá 2 chi nhánh, còn TCTD PNH có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên được phép thành lập không quá 3 chi nhánh.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tiêu chí mở chi nhánh theo “thâm niên” hoạt động và các tổ chức này phải đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi là cần thiết. Nhưng việc cho phép mở 3 chi nhánh trong 1 năm, theo vị chuyên gia này nên xem xét lại. Đối với những tổ chức thành lập dưới 12 tháng chỉ nên mở một chi nhánh. Những năm tiếp theo nếu tốc độ tăng trưởng cũng như lợi nhuận tốt thì cho phép TCTD PNH mở thêm 2 chi nhánh, phòng giao dịch. Cách này cũng áp dụng đối với TCTD PNH có thâm niên hoạt động trên 12 tháng.
Sự thận trọng này, theo TS. Hiếu là nếu một TCTD PNH kinh doanh không có lãi nhiều mà tăng trưởng mạnh quá có thể gây ra cạnh tranh không lành mạnh. Đơn cử các CTTC tiêu dùng, muốn mở rộng tín dụng, họ có thể chèo kéo khách hàng bằng cách hạ chuẩn cho vay dễ dãi, rủi ro tín dụng hiện hữu, nợ xấu lại tăng. “Vì vậy, đối với công ty còn non trẻ, lợi nhuận thấp không nên cho mở quá 1 chi nhánh, phòng giao dịch”, vị chuyên gia này nhấn mạnh lại quan điểm.
Một quy định nữa cũng được lưu ý tại Dự thảo Thông tư này đó là các TCTD PNH phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%. Nhưng Dự thảo có điểm mở: tỷ lệ này có thể thay đổi theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ. Việc TCTD PNH áp chung “room” về tỷ lệ nợ xấu giống như TCTD theo chia sẻ của một lãnh đạo CTTC, điều này cũng gây khó đối với hoạt động của họ. Vì ai cũng biết đặc thù hoạt động của CTTC là nhiều món vay nhỏ lẻ, cho vay tín chấp là chủ yếu nên rủi ro cao hơn cho vay thế chấp. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của họ chắc chắn cao hơn.
Thông cảm với băn khoăn của vị lãnh đạo CTTC trên, nhưng một chuyên gia NH khá thận trọng khi cho rằng, không nên cho phép tỷ lệ nợ xấu tại các TCTD PNH ở mức cao. Vì vốn điều lệ của các đơn vị trên khá mỏng, mặt khác họ lại không được phép huy động tiền gửi của dân cư nên khó xoay sở vốn hơn các NH nhiều. Do đó, đối với các TCTD PNH cũng không thể nới tay đối với tỷ lệ này để đảm bảo an toàn hoạt động, nếu không sẽ ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu, tác động tiêu cực đến toàn hệ thống.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, cơ quan soạn thảo nên tính toán tỷ lệ nợ xấu cho phù hợp và nên áp dụng cố định thay vì thay đổi theo từng thời kỳ. “Vì những tổ chức tài chính trong đó có cả TCTD và TCTD PNH cần phải có những khuôn khổ hoạt động mang tính dài hạn. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng sẽ giảm bớt “giấy phép con” cho các TCTD.
Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Bên cạnh các quy định chặt chẽ hơn, cơ quan soạn thảo cũng đưa ra những quy định gỡ khó, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD PNH hoạt động thuận lợi, phát huy hiệu quả. Hiện tại, một số TCTD PNH vẫn đang có đơn vị mạng lưới là phòng giao dịch được mở theo quy định tại Quyết định 01/2008/QĐ-NHNN quy định về việc mở và chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của TCTD PNH.
Trong trường hợp không quy định phòng giao dịch là đơn vị mạng lưới của TCTD tại Thông tư, các TCTD PNH phải thực hiện nâng cấp các phòng giao dịch thành chi nhánh hoặc đóng cửa phòng giao dịch, dẫn đến có thể gây xáo trộn mạng lưới hoạt động của TCTD này.
Khó khăn nữa, khi thực hiện nâng cấp phòng giao dịch thành chi nhánh thì cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động của phòng giao dịch cũng phải được thay đổi cho phù hợp với cơ cấu, tổ chức của chi nhánh, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí hành chính liên quan. Ngoài ra, theo quy định tại Luật DN và Nghị định về đăng ký DN, TCTD phải thực hiện đăng ký thành lập chi nhánh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cho các chi nhánh được chuyển đổi từ phòng giao dịch và tất nhiên phải nộp lệ phí đăng ký hoạt động chi nhánh.
Trong bối cảnh hiện nay, TCTD PNH có quy mô hoạt động nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, việc phải tăng thêm chi phí để duy trì mạng lưới đảm bảo phục vụ tốt các đối tượng khách hàng sẽ gây thêm khó khăn cho hoạt động của các loại hình TCTD này.
Không chỉ các TCTD PNH mà bản thân cơ quan quản lý cũng gặp khó khăn khi NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ thanh tra trực tiếp đối với chi nhánh, không thực hiện thanh tra phòng giao dịch. Trường hợp phòng giao dịch được nâng cấp thành chi nhánh, việc thanh tra, kiểm tra sẽ phải được tiến hành trực tiếp tại từng chi nhánh. Điều này sẽ tạo áp lực đối với công tác thanh tra, giám sát của NHNN, trong khi lực lượng thanh tra còn mỏng như hiện nay.
Từ các vướng mắc trên, ban soạn thảo Dự thảo Thông tư điều chỉnh theo hướng vẫn coi phòng giao dịch là loại hình chi nhánh và chỉ hạn chế chức năng hoạt động, hạn mức cho vay… Riêng đối với phòng giao dịch đã tồn tại, trực thuộc trụ sở chính, để tránh hoạt động xáo trộn, dự thảo Thông tư dự kiến sẽ có quy định chuyển tiếp và tiếp tục do trụ sở chính quản lý.
Theo đánh giá của một chuyên gia NH, việc ban hành Thông tư này là phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, tạo lập hành lang pháp lý hỗ trợ TCTD PNH phát triển mạng lưới trên cơ sở phù hợp với đặc thù hoạt động, tăng cường và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính NH của khách hàng cá nhân, kích thích tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế. Đồng thời việc đưa ra quy định khá chặt chẽ đảm bảo mạng lưới của TCTD PNH hoạt động an toàn, hiệu quả, phù hợp với năng lực tài chính, khả năng quản trị, điều hành của TCTD PNH.
Như vậy, tiếp sau Thông tư 43 quy định hoạt động cho vay tiêu dùng tại các CTTC, NHNN tiếp tục đưa ra lấy ý kiến một văn bản quan trọng có phạm vi bao trùm hơn nhưng mục đích chính nhằm tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để hoạt động của các TCTD PNH đi vào nề nếp, dần áp dụng theo thông lệ quốc tế, hiệu quả nhưng đảm bảo an toàn.
Việc ban hành Thông tư này là phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, tạo lập hành lang pháp lý hỗ trợ TCTD PNH phát triển mạng lưới trên cơ sở phù hợp với đặc thù hoạt động, tăng cường và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính NH của khách hàng cá nhân, kích thích tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế, theo đánh giá của một chuyên gia NH. |