Một trong những quy định mới rất quan trọng trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này, là quy định đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.
Đánh giá về quy định này, ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho biết, ở đây có 2 mặt.
Dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ là điều kiện tốt để thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Ảnh: S.T
Thứ nhất, các đại lý thuế sẽ hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh bước đầu tiếp cận những quy định chính sách về thuế, quản lý doanh nghiệp ở một mức độ nào đó.
Thứ hai, việc kinh doanh hay quản trị doanh nghiệp phải là yếu tố nội tại của doanh nghiệp đó, các nhà đầu tư phải lo quản trị doanh nghiệp của mình như tổ chức kinh doanh, hạch toán, kế toán... sau cùng mới đến thuế.
Câu chuyện từ việc hỗ trợ này liệu có dẫn đến đối phó hay không là câu hỏi ông Lâm đặt ra, khi đại lý thuế có thể giúp doanh nghiệp “làm sai” với chính sách thuế, và đây chính là mặt trái của vấn đề này. Còn mặt thuận - theo ông Lâm, khi các hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp siêu nhỏ còn lúng túng, thì có sự tư vấn để từng bước nâng cao trình độ quản lý, dần tiếp cận và sau cùng là tự làm. “Việc này khác với ủy thác hết cho đại lý thuế để nhằm đối phó với các quy định của luật pháp”, ông Lâm nói.
Ông Lâm đề xuất, trong quy định này phải ghi rõ dịch vụ này mang tính chất tư vấn. Còn để đại lý thuế hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan luật pháp về số liệu hay hoạt động của doanh nghiệp, thì không được. Vì về mặt nguyên lý, ông chủ doanh nghiệp dù to hay nhỏ phải là người chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với tất cả hành vi của họ đối với xã hội.
Đại lý thuế là một trong những giải pháp của Chính Phủ để đơn giản hóa các thủ tục về kế toán, thuế nhằm thúc đẩy các hộ kinh doanh có thể mạnh dạn đăng ký lên doanh nghiệp.
Vẫn theo ông Lâm, trong thời gian vừa qua nhờ có sự đổi mới trong chính sách thuế đã hỗ trợ DNNVV ở quy mô hộ kinh doanh yên tâm hơn trong tiếp cận các quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc khác, ông Lâm nhận thấy, chính các quy định về quản trị, quản lý doanh nghiệp, thuế... đặt ra hiện nay còn phức tạp. Điều này khiến cho các hộ kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc “phải làm đúng”. Từ đây đưa đến câu chuyện các hộ kinh doanh cá thể phải tìm đến “dịch vụ làm thay”.
Nhưng qua đây, ông Lâm nhìn nhận vẫn còn góc khuất trong luật, như chưa đơn giản, khó làm, khó tuân thủ và chấp hành. Do đó, pháp luật phải thật sự đơn giản, thông thoáng hơn nữa để các hộ cá thể tự làm và không phải nhờ đến tư vấn thì mới đạt yêu cầu.
Theo enternews.vn