• English

Tin thị trường

Dự kiến gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động khó khăn

Tổng kinh phí gói mới hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 là hơn 26.000 tỷ đồng, theo Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật chiều 29/6, Bộ trưởng Dung cho biết dự thảo nghị quyết hỗ trợ lần này sẽ bổ sung nội dung mới so với Nghị quyết 42/2020 (gói 62.000 tỷ đồng).

du-kien-goi-26000-ty-dong-ho-tro-lao-dong-kho-khan-1

Công nhân Pouyuen, TP HCM tan ca về nhà, tháng 6/2021. Ảnh: Hữu Khoa

Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan soạn thảo và các bộ ngành liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị. Bốn ngày trước, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát để đảm bảo chính sách phủ kín được người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung nhóm lao động tự do. "Nghị quyết phải kịp thời hiệu quả, đúng đối tượng, minh bạch, đáp ứng được nguyện vọng của đa số người dân và thực tế, không để xảy ra tiêu cực", ông nói.

du-kien-goi-26000-ty-dong-ho-tro-lao-dong-kho-khan-2

Ông Thành, bán vé số ở TP HCM nhận cơm 0 đồng trong những ngày thành phố giãn cách chống dịch, tháng 6/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Tháng 4/2020, gói an sinh 62.000 tỷ đồng do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất được Chính phủ ban hành. Dự kiến 35.880 tỷ hỗ trợ 20 triệu người thuộc nhóm chính sách xã hội, lao động phi chính thức, lao động khu vực chính thức mất việc làm, hộ kinh doanh. Khoảng 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi trả lương cho lao động.

Ngoài ra, thêm nhóm chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 6.500 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động với 3.000 tỷ trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tới tháng 5/2021, gói an sinh trên giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng (khoảng 22%) cho 13,2 triệu người.

Ủy ban Kinh tế ngày 15/6 đánh giá các chính sách chưa thực sự "chạm" tới được người dân, doanh nghiệp dễ bị tổn thương vì dịch. Gói vay không lãi suất 16.000 tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương, chỉ có 245 đơn vị tiếp cận được với số tiền 42 tỷ đồng, chiếm 0,26%; gói hỗ trợ qua chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất mới giải ngân được 12%.

Theo Ủy ban, Chính phủ cần có đánh giá toàn diện chính sách hỗ trợ thời gian vừa qua, từ đó đưa ra dự báo, kịch bản với những đề xuất phù hợp để hỗ trợ hiệu quả hơn.

du-kien-goi-26000-ty-dong-ho-tro-lao-dong-kho-khan-3

Lao động tự do tại chợ đêm Long Biên, Hà Nội, tháng 4/2020. Ảnh: Thanh Huế

Hai tháng bùng phát, đợt dịch thứ tư đã lan ra 49 tỉnh thành với số ca nhiễm vượt 13.000. Dịch đã xâm nhập các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, đe dọa sản xuất các tỉnh thành phía nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự báo dịch bệnh nếu tiếp tục tác động xấu tới khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động phải cách ly, ngừng việc có thể lên tới 2 đến 2,5 triệu người.

Theo vnexpress.net


Đăng ký nhận tin
KienlongBank