• English

Tin thị trường

Dự kiến giảm tổng mức bảo lãnh tín dụng còn không vượt quá 3 lần vốn tự có

Bộ Tài chính đang đề xuất giảm tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các bên được bảo lãnh xuống tối đa không vượt quá 3 lần vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng thay vì 5 lần như quy định hiện hành (Quyết định 158/2013/QĐ-TTg). 

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV (sau đây gọi tắt là Quỹ bảo lãnh tín dụng).

Một trong những thay đổi đáng chú ý so với quy định hiện hành là Dự thảo Nghị định phân biệt rõ 2 hình thức bão lãnh vay vốn là bảo lãnh vay vốn đầu tư và bảo lãnh vay vốn lưu động.

Sửa đổi đáng chú ý thứ 2 là quy định về điều kiện được cấp bảo lãnh tín dụng. Theo Quyết định 158, bên cạnh các điều kiện như có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay… và tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các TCTD, Dn còn phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay, đồng thời phải có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên theo Dự thảo Nghị định, DN phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm thẩm định, xem xét bảo lãnh và thể hiện rõ trên báo cáo tài chính của DN. Bên cạnh đó, phải có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định tại Nghị định này.

Từ đó, giới hạn cấp bảo lãnh cũng được thay đổi. Theo quy định hiện hành (Quyết định 158), Quỹ bảo lãnh tín dụng có thể cấp bảo lãnh một phần hoặc bảo lãnh toàn bộ phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị tài sản thế chấp, cầm cố của bên được bảo lãnh tại TCTD. Tức Quỹ bảo lãnh tín dụng được cấp bảo lãnh tối đa 85% giá trị khoản vay.

Tuy nhiên, theo Dự thảo Nghị định, Quỹ bảo lãnh tín dụng chỉ có thể cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tối đa 80% giá trị khoản vay tại TCTD. TCTD xem xét cho vay khoản vay không có bảo lãnh còn lại, tối thiểu 20% giá trị khoản vay.

Một sửa đổi đáng chú ý nữa là quy định về giới hạn cấp bảo lãnh tín dụng. Theo quy định hiện hành, mức bảo lãnh tín dụng tối đa cho một khách hàng được bảo lãnh không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các bên được bảo lãnh tối đa không vượt quá 5 lần so với vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Tuy nhiên Dự thảo Nghị định đã phân biệt rõ giới hạn giới hạn cấp bảo lãnh đối với vay vốn đầu tư và vay vốn lưu động. Cụ thể, về giới hạn bảo lãnh vay vốn đầu tư: Tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng tính trên vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng không vượt quá 15% đối với một khách hàng, không vượt quá 20% đối với một khách hàng và người có liên quan.

Về giới hạn bảo lãnh vay vốn lưu động: Ngoài quy định về giới hạn bảo lãnh vay vốn nêu trên, giới hạn bảo lãnh vay vốn lưu động phải đảm bảo tối đa bằng vốn chủ sở hữu của khách hàng thể hiện tại báo cáo tài chính của doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế của năm trước liền kề.

Đặc biệt, theo Dự thảo Nghị định, tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các bên được bảo lãnh tối đa không vượt quá 3 lần so với vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng. 


Đăng ký nhận tin
KienlongBank