• English

Tin thị trường

Đơn giản hơn nữa thủ tục hải quan

(TBTCVN) - Tổng cục Hải quan đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP
  

quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (Nghị định 08), sau khi tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN); để trình Bộ Tài chính xem xét để kịp trình Chính phủ trong tháng 10/2017... Dự thảo này tiếp tục đơn giản hơn nữa thủ tục hải quan.

Linh hoạt trong xác định trị giá

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Nguyễn Nhất Kha cho biết, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 08 có một số nội dung thay đổi cơ bản, gồm: Đơn giản thủ tục xác định trị giá hải quan và cải cách tạo thuận lợi cho DN ưu tiên về hải quan.

Hiện cả nước có 64 DN được Tổng cục Hải quan công nhận DN ưu tiên. Trong đó, Việt Nam có 25 DN và 39 DN nước ngoài hoặc liên doanh của Việt Nam với nước ngoài.
Nhật Bản đứng đầu về số lượng với 14 DN được công nhận. Hàn Quốc là quốc gia có số lượng lớn thứ 2 với 12 DN. Ngoài ra là các DN đến từ Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Italia, Đan Mạch...

Ông Kha phân tích, về trị giá hải quan, hiện hành chưa quy định phương pháp xác định trị giá cho trường hợp không xác định được trị giá theo hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại (bao gồm cả trường hợp chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất chưa thể hiện trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại). Điều này khiến cho nhiều trường hợp cán bộ hải quan lúng túng trong việc xác định trị giá tính thuế; làm chậm thời gian giải quyết thủ tục cho DN, dẫn đến khiếu nại.


Khắc phục hạn chế này, ông Kha cho biết, dự thảo bổ sung thêm 3 phương pháp xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu, theo hướng sử dụng trị giá của hàng hóa giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan; giá bán hàng hóa giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam; giá bán hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự thu thập từ nguồn thông tin trong và ngoài ngành Hải quan sau khi đã quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất.

Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm đảm bảo đủ căn cứ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu đối với các trường hợp không xác định được trị giá.

Ông Kha cho biết thêm, dự thảo sửa đổi nội dung liên quan đến việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan, khắc phục tình trạng kiểm tra trùng lắp, chồng chéo (vừa tham vấn, vừa thực hiện kiểm tra sau thông quan); tạo sự chủ động cho DN trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Theo đó, Điều 21 Nghị định 08 về kiểm tra, xác định trị giá hải quan được sửa đổi: Trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo tại quá trình kiểm tra trong thông quan, cơ quan hải quan đề nghị người khai hải quan khai bổ sung và giải phóng hàng, theo quy định của Luật Hải quan. Trường hợp có nghi vấn trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo để người khai hải quan thực hiện tham vấn với cơ quan hải quan, nhằm làm rõ tính chính xác của trị giá khai báo và giải phóng hàng theo quy định. Trường hợp người khai hải quan không khai bổ sung trong thời gian quy định, cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế, theo quy định của Luật Quản lý thuế và thông quan hàng hóa.  

DN ưu tiên được miễn KTSTQ

Theo ông Kha, điểm mới nữa là gỡ bỏ thủ tục kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đối với DN ưu tiên về hải quan, 

Ông Kha phân tích, DN ưu tiên là các DN đã được kiểm tra, thẩm định, ý thức tuân thủ rất tốt, có cơ chế tự kiểm soát nội bộ để duy trì việc tuân thủ pháp luật... Vì vậy, nếu không quy định miễn KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan, thì dẫn đến việc kiểm tra tùy tiện và DN ưu tiên cũng không có gì ưu tiên hơn so với các DN thường. Trong khi đó, tại Nghị định 08 và Điều 78 Luật Hải quan (hiện hành) quy định về 3 trường hợp KTSTQ, tuy nhiên không loại trừ DN ưu tiên, dẫn đến thực tế các DN bị KTSTQ tại cơ quan hải quan đối với các tờ khai xuất khẩu nhập khẩu trong thời gian 60 ngày. Do vậy xảy ra trường hợp có DN một năm bị KTSTQ nhiều lần và liên tục. Mặt khác chế độ ưu tiên là quản lý DN chứ không quản lý theo từng lô hàng, còn KTSTQ trong thời gian 60 ngày là quản lý theo lô hàng nhập khẩu.

Tiếp thu phản ánh của cộng đồng DN và ý kiến từ các bộ, ngành, dự thảo sửa đổi Nghị định 08 sẽ bổ sung thêm Khoản 4 Điều 9 nội dung: DN ưu tiên được miễn KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Hải quan (Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất nhập khẩu).

“Quy định trên nhằm đảm bảo chính sách ưu đãi đối với DN ưu tiên, phù hợp với thông lệ quốc tế (Hiện không có nước nào kiểm tra DN ưu tiên theo tờ khai tại trụ sở cơ quan hải quan mà họ kiểm toán định kỳ)...”, ông Kha khẳng định.

Hải Linh/ Theo Thời Báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank