• English

Tin thị trường

Doanh nghiệp FDI xuất siêu 18,74 tỷ USD

Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2022 đạt thặng dư 2,51 tỷ USD, lũy kế 7 tháng/2022 đạt mức thặng dư 18,74 tỷ USD.

doanh-nghiep-fdi-xuat-sieu

Trong 7 tháng 2022, khu vực doanh nghiệp FDI đã xuất siêu gần 19 tỷ USD.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 7/2022 đạt 61,14 tỷ USD, giảm 6%, tương ứng giảm 3,93 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 30,61 tỷ USD, giảm 6,8% (tương ứng giảm 2,23 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu là 30,53 tỷ USD, giảm 5,3% (tương ứng giảm 1,7 tỷ USD).

Lũy kế 7 tháng/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 433,6 tỷ USD, tăng 15,3% tương ứng tăng 57,45 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu đạt 217,34 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 30,92 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 216,26 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng tăng 26,53 tỷ USD).

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 xuất siêu 74 triệu USD. Tính trong 7 tháng/2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 1,08 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng là 42,29 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của khu vực này 7 tháng/2022 lên 299,26 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 39,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này là gần 22,4 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng/2022 của doanh nghiệp FDI lên gần 159 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 22,23 tỷ USD) so với 7 tháng/2021 và chiếm 73,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2022 là 19,89 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 7 tháng/2022 đạt 140,26 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 17,58 tỷ USD) so với 7 tháng/2021, chiếm 64,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2022 đạt thặng dư 2,51 tỷ USD, lũy kế 7 tháng/2022 đạt thặng dư 18,74 tỷ USD.

Tại Tọa đàm Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hôm 16/8, Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho biết, xuất khẩu đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế nước ta, có những bước tiến lớn.

Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới, với xếp hạng thứ 24 xuất khẩu trên thế giới trong số 240 nền kinh tế. Dù trong bối cảnh Covid-19, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 336 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng 2 con số.

Xuất khẩu tăng trưởng cao và rất tích cực nếu nhìn vào con số nêu trên nhưng đằng sau đó vẫn tiềm ẩn yếu tố chưa bền vững. Xuất khẩu mới tăng trưởng mạnh về số lượng nhưng chất lượng chưa theo kịp, giá trị gia tăng trong xuất khẩu thấp. So với các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia, giá trị gia tăng của chúng ta thấp hơn nhiều.

86% tỷ trọng xuất khẩu từ công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng vẫn gia công, lắp ráp là chính, lĩnh vực nông lâm thủy sản thì xuất thô còn nhiều, chế biến sâu vẫn hạn chế.

Điểm hạn chế lớn thứ 2 khiên xuất khẩu chưa bền vững là phu thuộc quá lớn vào doanh nghiệp FDI, chiếm 3/4 xuất khẩu, còn lại là doanh nghiệp nội.

"Ngay với ngành dệt may, da giày, trên 60% đóng góp bởi FDI, lĩnh vực điện tử, máy tính FDI còn chiếm gần 100%. Những con số này để thấy phụ thuộc rất lớn vào FDI, dù thành tích xuất khẩu cực lớn. Ngay cả xuất siêu cũng do FDI, doanh nghiệp trong nước nhập siêu rất lớn. Rõ ràng, chất lượng xuất khẩu chưa đạt như mong muốn", ông Lê Quốc Phương nói.

Theo baodautu.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank