Thiệt hại và tác động của cơn bão số 3 vừa qua khiến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm dự báo chậm lại, ước tính tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể giảm 0,15% (so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8% - 7%), đòi hỏi nỗ lực cao hơn nữa để phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%.
Thủ tướng động viên các lực lượng quân đội, công an đang làm nhiệm vụ dọn dẹp sau bão
Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn… Đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao khiến cho thiệt hại còn có thể nặng nề hơn.
Tác động mạnh đến tăng trưởng GDP quý III và quý IV
Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Trình bày báo cáo về tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra; các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bão số 3 gây ra nhiều tổn thất, thiệt hại rất lớn. Đến nay đã có 353 người chết, mất tích, hơn 2.000 người bị thương; 230.000 nhà ở, nhiều trụ sở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh bị tốc mái, hư hỏng; gần 70.000 nhà bị ngập; trên 190.000 ha lúa, 48.000 ha hoa màu, 31.000 ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; hơn 3.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 21.000 gia súc và trên 2,6 triệu gia cầm bị chết. Nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá, tình trạng sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ xảy ra ở hầu hết các địa phương… Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng.
Ước tính tác động cụ thể của bão số 3 đến phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của nhiều địa phương và cả nước dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%; quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước tăng trưởng GDP cả năm có thể giảm 0,15% (so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8%-7%). Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản dự kiến giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương có thể giảm trên 0,5%. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, so với kịch bản tăng trưởng GRDP ước tính lần 1 cho các địa phương tại thời điểm tháng 7/2024, suy giảm tăng trưởng cả năm 2024 của Hà Nội là 0,2%; Hải Phòng là 0,63%; Quảng Ninh là 0,65%; Cao Bằng là 0,51%; Lào Cai là 0,63%; Tuyên Quang là 0,5%; Yên Bái là 0,53%; Thái Nguyên là 0,59%...). Theo báo cáo của NHNN, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là khoảng 80 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, riêng tại Quảng Ninh và Hải Phòng có khoảng 11,7 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23,1 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý trong bối cảnh cả nước đồng lòng, gồng mình chống bão lũ, một điều rất đáng buồn và cần được xử lý nghiêm để ngăn chặn tái diễn, đó là xuất hiện nhiều thông tin xấu, không chính xác, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão lũ và khắc phục thiệt hại sau bão; cùng với đó đã có tình trạng lợi dụng, lừa đảo qua mạng.
Chiều 10/9, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã diễn ra Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tại buổi Lễ, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã đại diện ngành Ngân hàng Việt Nam trao tặng 38,4 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Cùng ngày, Công đoàn NHNN Trung ương cũng tổ chức Lễ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trong toàn thể đoàn viên, người lao động NHNN.
Nỗ lực sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, một trong những mục tiêu hàng đầu hiện nay là không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, không có chỗ ở, thiếu nước sạch và các sinh hoạt thiết yếu hàng ngày. Nỗ lực khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%; đồng thời giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sắp tới: (i) Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục hậu quả bão; (ii) Nhóm các giải pháp ổn định tình hình cho nhân dân; (iii) Nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh; (iv) Nhóm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; (v) Nhóm các nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; (vi) Nhóm nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường.
Trong đó, liên quan đến nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước.
Thủ tướng yêu cầu NHNN, hệ thống TCTD nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng... Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình. Ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...
Về nhóm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thu ngân sách, cung ứng xăng dầu, điện nước; sử dụng hiệu quả tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả, chống tham nhũng, lãng phí, trục lợi; cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi; tập trung làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đúng, trúng, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn nói trên. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố góp ý để ngay trong ngày 16/9 trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Theo thoibaonganhang.vn