• English

Tin thị trường

Điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Công cụ dự trữ bắt buộc không chỉ giúp cơ quan quản lý trong việc kiểm soát lượng tiền cung ứng mà còn tạo nên sân chơi bình đẳng hơn cho các TCTD, cũng như tạo điều kiện để NHNN nắn dòng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.

Chính sách mới đáng chú ý nhất tuần qua là ngày 29/5/2018, NHNN đã có Quyết định số 1158/QĐ - NHNN điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) áp dụng cho các TCTD. Quyết định 1158 có một số thay đổi lớn như: giảm tỷ lệ DTBB đối với các loại tiền gửi bằng đồng Việt Nam và tiền gửi bằng ngoại tệ của QTDND, tổ chức tài chính vi mô về 0%; nâng tỷ lệ DTBB của Agribank và Ngân hàng Hợp tác xã đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3%/tổng số dư tiền gửi phải tính DTBB (mức cũ là 1%)… Tỷ lệ DTBB của NH Chính sách xã hội do Chính phủ quy định. Đối với các loại hình TCTD khác không thay đổi. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ kỳ duy trì DTBB tháng 6/2018. 

Điểm đáng chú ý của văn bản này là NHNN tiếp tục có những chính sách hỗ trợ rất lớn cho các TCTD trong cho vay tam nông thông qua tái cấp vốn và qua công cụ DTBB. TCTD có tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực tam nông bình quân từ 70% trở lên sẽ được áp dụng tỷ lệ DTBB theo đề nghị của TCTD (nhưng không thấp hơn 1/20 tỷ lệ DTBB tương ứng với từng loại tiền gửi do NHNN quy định). TCTD có tỷ trọng tín dụng cho tam nông bình quân đạt từ  40% đến dưới 70% áp dụng tỷ lệ DTBB theo đề nghị của TCTD nhưng không thấp hơn 1/5 tỷ lệ DTBB tương ứng với từng loại tiền gửi do NHNN quy định. Các tỷ lệ này không thay đổi so với quy định tại Thông tư 20 trước đây, nhưng có lộ trình và công thức tính rất cụ thể cho từng giai đoạn để đảm bảo tính chính xác và minh bạch. Cùng với Quyết định 1158, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 14/2018/NHNN hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các TCTD trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Thông tư 20/2010/TT-NHNN.

Về lý thuyết, việc thay đổi tỷ lệ DTBB sẽ tác động đến hệ số nhân tiền, lượng tiền cung ứng và lãi suất trên thị trường. Nếu tỷ lệ DTBB tăng, có nghĩa lượng tiền gửi của TCTD tại NHNN tăng, làm giảm khả năng cung tín dụng; giảm cả khả năng cung ứng vốn của các TCTD trên thị trường liên ngân hàng; và sau một thời gian sẽ khiến lãi suất tăng. Việc giảm tỷ lệ DTBB sẽ có những tác động ngược lại. Công cụ DTBB không chỉ giúp cơ quan quản lý trong việc kiểm soát lượng tiền cung ứng mà còn tạo nên sân chơi bình đẳng hơn cho các TCTD, cũng như tạo điều kiện để NHNN nắn dòng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ. DTBB cũng là công cụ mạnh của cơ quan điều hành nên việc điều chỉnh được tính toán, cân nhắc rất kỹ.

Ở đây có thể thấy QĐ1158 chỉ hạ tỷ lệ DTBB của  QTDND và tổ chức tài chính vi mô - những đơn vị có thị phần nhỏ trên thị trường nên sẽ không tác động lớn đến vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng lại gián tiếp hỗ trợ thêm cho nhóm người yếu thế - đối tượng khách hàng chính của QTDND và các tổ chức tài chính vi mô. Còn việc nâng tỷ lệ DTBB tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng của NH Hợp tác xã và Agribank đã phần nào được "cân bằng" bởi Thông tư 14. Bởi Agribank vốn là bạn của nhà nông - vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm trên 70% tổng vốn dư nợ nên QĐ 1158 sẽ khiến Agribank càng chuyên tâm thực hiện sứ mệnh vì nông nghiệp, nông thôn, nông dân của mình.  

Ngành Ngân hàng đã, đang triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... Tăng trưởng tín dụng của khu vực tam nông nói riêng và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ luôn cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Năm 2017 tín dụng chung của cả nền kinh tế đạt 18,17%, nhưng riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 25%.

Theo số liệu NHNN vừa công bố: Đến 31/3/2018, dư nợ tín dụng đối với tam nông tăng 4,2% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế; tín dụng lĩnh vực xuất khẩu tăng 9,72%; DN ứng dụng công nghệ cao tín dụng tăng 8,57%; lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 2,61%…

Không chỉ được ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng mà lãi suất trong cho vay  các lĩnh vực trên cũng luôn thấp hơn so với cho vay thông thường. Từ năm 2017, thực hiện chủ trương của NHNN các TCTD đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 7%/năm xuống 6,5%/năm. Không những thế, nhiều NH lớn như Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank chủ động giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên...


Đăng ký nhận tin
KienlongBank