Luật Thuế GTGT hiện hành quy định 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5%, thấp hơn thuế suất thông thường là 10%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã được xã hội hoá sâu rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nhằm mục đích lợi nhuận, như hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, trình diễn thời trang, thi người mẫu, bóng đá, chiếu bóng, cung cấp nước sạch... Do đó, nếu tiếp tục áp dụng thuế suất 5% sẽ không bảo đảm bình đẳng giữa các lĩnh vực, ngành nghề.
Hơn nữa, thuế GTGT thu theo hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt mục đích sử dụng nên việc quy định áp dụng thuế suất 5% đối với những loại hàng hóa có thể sử dụng đa mục đích dẫn đến không thống nhất trong thực hiện, tạo kẽ hở để lợi dụng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng. Chẳng hạn, đối với sách các loại (trừ sách thuộc diện không chịu thuế) áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%. Trong khi đó hoạt động in, kể cả in sách, áp dụng thuế suất 10%. Thực tế phát sinh nhiều trường hợp không thể phân biệt được thế nào là sách chịu thuế 5%, thế nào là ấn phẩm in hay hoạt động in chịu thuế 10%.
Do vậy, cơ quan soạn thảo Luật đề nghị đưa một loạt các nhóm hàng hoá, dịch vụ hiện nay đang chịu thuế 5% chuyển sang mức áp dụng 10% như các hàng hoá thông thường. Cụ thể như nước sạch, hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, sách các loại (trừ sách không chịu thuế theo Luật), các loại thiết bị, dụng cụ không chỉ dùng cho riêng mục đích giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học. Dự án luật sửa đổi cũng quy định cụ thể những máy móc, thiết bị, dụng cụ chỉ sử dụng được trong y tế, giáo dục được áp dụng mức thuế suất 5%. Các loại thiết bị, dụng cụ không chỉ dùng cho y tế mà còn sử dụng cho nhiều mục đích khác chuyển sang áp dụng mức thuế suất 10%.
Đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại, cơ quan soạn thảo đề nghị tăng lên mức 6% kể từ 1/1/2019 theo nguyên tắc bằng 50% mức thuế suất 12%.
Việt Nam thuộc nhóm có mức thuế suất thuế GTGT thấp
Nội dung sửa đổi thuế suất thuế GTGT lên 12% này cũng là một nội dung quan trọng trong dự án Luật. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập, các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng như thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT. Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.
Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT thì xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến. Từ năm 2009 - 2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016. Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT, như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản…
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), có 88/112 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.
Vì vậy, thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25 năm 2016 của Quốc hội và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2016 – 2020, cơ quan soạn thảo đề nghị nâng mức thuế suất 10% và đưa ra hai phương án. Phương án 1 là tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, đây là phương án được Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc. Phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.
Theo cơ quan soạn thảo, những điều chỉnh này là phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững trong quá trình cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội. Đồng thời, giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 5% thuộc các lĩnh vực đã được xã hội hóa mạnh mẽ để bình đẳng với ngành nghề, lĩnh vực thông thường khác./.
Tính ưu điểm của thuế GTGT là Nhà nước chỉ thu thuế đối với phần giá trị tăng thêm cuả các sản phẩm ở từng khâu sản xuất, lưu thông mà không thu thuế đối với toàn bộ doanh thu phát sinh như mô hình thuế doanh thu. Theo nghiên cứu và thống kê cuả WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế thì phần lớn các nước trong đó có cả Việt Nam sau khi áp dụng thuế GTGT, giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ đều không thay đổi hay chỉ thay đổi một tỷ lệ không đáng kể và mức sản xuất của các DN, mức tiêu dùng của dân chúng không sút giảm, hay chỉ giảm một tỷ lệ nhỏ trong thời gian đầu, kể cả các trường hợp tăng thuế suất thuế GTGT đối với một số mặt hàng trong định kỳ điều chỉnh. |