• English

Tin thị trường

Điểm tín dụng và cơ hội tiếp cận vốn nhanh

Điểm tín dụng và các mức độ rủi ro tương ứng cho phép khách hàng vay tự đánh giá về khả năng tiếp cận tín dụng của chính mình khi có nhu cầu tiếp cận TCTD để vay vốn. 

Hiểu một cách nôm na, điểm tín dụng là điểm số phản ánh những thông tin trong báo cáo tín dụng của khách hàng; tóm tắt lịch sử tín dụng của khách hàng và giúp người cho vay dự đoán khả năng trả nợ và thanh toán các khoản phí khi các khoản vay đến hạn. Người cho vay có thể sử dụng điểm số tín dụng để ra quyết định tín dụng với khách hàng (như tỷ lệ lãi suất của khoản vay, các điều khoản liên quan đến hợp đồng tín dụng, yêu cầu về tài sản đảm bảo cho khoản vay…).

Thông tin chủ yếu được sử dụng để tính toán điểm tín dụng của khách hàng bao gồm: Thông tin định danh (độ tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú, trình độ…); Số lượng và loại tài khoản tín dụng bạn có (các khoản vay thông thường như vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng, thẻ tín dụng…). Dư nợ và tình trạng tín dụng hiện tại; Lịch sử trả nợ, thanh toán; Thời gian quan hệ tín dụng; Thông tin có liên quan khác; Lịch sử tra cứu thông tin về bạn.

Căn cứ theo Quyết định 926/QĐ-NHNN ngày 15/5/2017 của Thống đốc NHNN quy định về chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), thì CIC là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN Việt Nam, có chức năng thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, lưu trữ thông tin tín dụng, đăng ký tín dụng, chấm điểm, xếp hạng tín dụng pháp nhân và thể nhân trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam; Cung ứng các sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro tín dụng và phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo CIC chia sẻ, thông qua điểm tín dụng và các thông tin trong báo cáo tín dụng khách hàng vay (KHV), KHV có thể tự kiểm tra, cập nhật thông tin tín dụng về bản thân nếu phát hiện có sai sót có thể khiếu nại theo đúng quy định để điều chỉnh, tránh rủi ro thông tin bị lợi dụng hoặc ngăn chặn sớm việc mạo danh.

Điểm tín dụng và các mức độ rủi ro tương ứng cho phép KHV tự đánh giá về khả năng tiếp cận tín dụng của chính mình khi có nhu cầu tiếp cận TCTD để vay vốn. Điểm tín dụng là chìa khóa tiếp cận tín dụng của KHV. Điểm tín dụng càng cao, mức độ rủi ro càng thấp và khả năng tiếp cận tín dụng càng cao. Đối với TCTD, điểm tín dụng là công cụ hỗ trợ cán bộ tín dụng đánh giá nhanh nhất và chính xác nhất về mức độ rủi ro liên quan đến khách hàng vay cá nhân, là mức tham chiếu kết quả đánh giá khách hàng so với các kết quả đánh giá của hệ thống nội bộ TCTD.

Mỗi cơ quan, tổ chức thực hiện chấm điểm tín dụng sẽ có các thang điểm tương ứng với các mức độ rủi ro khác nhau. Tại CIC trực thuộc NHNN Việt Nam, điểm tín dụng của KHV được đánh giá ở mức 176 đến 753 điểm, chia thành 14 hạng rủi ro theo nguyên tắc Hạng thấp – Mức độ rủi ro thấp; Hạng cao – Mức độ rủi ro cao. Tại CIC, điểm tín dụng là kết quả của quá trình kết hợp các thông tin tín dụng, trong mô hình chấm điểm hiện đại đạt chuẩn quốc tế kết hợp cả phương pháp định lượng và phương pháp chuyên gia, do đối tác nước ngoài tư vấn xây dựng.

Cũng theo CIC thì các khoản nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh khi khách hàng vay không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của mình với TCTD đúng thời hạn mà hai bên đã thỏa thuận. Khoản nợ xấu, nợ quá hạn này sẽ được lưu giữ thông tin và hiển thị trong báo cáo tín dụng của khách hàng vay trong khoản thời gian tối đa là 5 năm tính từ ngày khoản vay được tất toán. Chính vì vậy mà khách hàng cần tạo thói quen kiểm soát khoản vay, khoản chi tiêu của mình và thanh toán đúng hạn để tránh phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu đồng thời khách hàng cần quản lý giấy tờ cá nhân của mình để giảm thiểu các nguy cơ bị lợi dụng định danh, phát sinh các khoản nợ xấu ngoài ý muốn có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng sau này của chính khách hàng vay đó.

Để nâng cao điểm tín dụng, KH nên thực hiện điều sau: Vay ngân hàng và mở thêm thẻ tín dụng khi thật cần thiết; Kiểm tra điểm tín dụng thường xuyên để hạn chế sai sót dữ liệu thông tin tín dụng cá nhân; Thanh toán các khoản vay đúng hạn; Duy trì dư nợ thẻ tín dụng ở mức thấp.

Trên cơ sở thông tin thu thập và lưu trữ trong kho Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, kết hợp với phương pháp chấm điểm hiện đại theo chuẩn quốc tế, CIC thực hiện chấm điểm tín dụng định kỳ hàng tháng đối với tất cả các KHV có dữ liệu trong kho Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam đồng thời CIC sẽ cung cấp các báo cáo tín dụng cho KHV.

Báo cáo tín dụng bao gồm thông tin chi tiết về lịch sử tín dụng của bạn, bao gồm thông tin định danh, thông tin về những khoản vay (dư nợ, thời hạn vay, tình trạng khoản vay…) và tài khoản thẻ tín dụng (số thẻ tín dụng, hạn mức, dư nợ thẻ, tình trạng thẻ, tình trạng dư nợ, nhóm nợ…), thông tin về quá trình thanh toán, trả nợ các khoản vay (lịch sử thanh toán, đúng hạn, chậm thanh toán…), thông tin liên quan khác (hợp đồng vay, tài sản đảm bảo…).

Nhóm nợ của mỗi khoản vay hay KHV được TCTD xác định dựa trên các quy định của NHNN (Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013), theo đó nhóm nợ được chia thành 5 nhóm: Nợ nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn; Nợ nhóm 2: Nợ cần chú ý; Nợ nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn; Nợ nhóm 4: Nợ nghi ngờ; Nợ nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn.

Mỗi KHV đều có quyền đăng ký và khai thác báo cáo chấm điểm tín dụng của bản thân mình miễn phí 1 lần/năm tại CIC (trực tiếp tại trụ sở, chi nhánh TP.HCM hoặc website http://cic.org.vn). TCTD có nhu cầu có thể khai thác các sản phẩm có điểm tín dụng từ CIC theo quy định của NHNN.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank