• English

Tin thị trường

Điểm mặt những "ông bầu" thực sự tâm huyết với bóng đá Việt Nam

Tròn 10 năm kể từ khi bóng đá Việt Nam xưng vương tại giải đấu khu vực AFF Suzuki Cup với lứa cầu thủ Lê Công Vinh, Dương Hồng Sơn, người hâm mộ mới lại được sống trong cảm giác sung sướng tột đỉnh khi U23 Việt Nam hiên ngang vào chung kết AFC Cup.

Có được không khí đó, chúng ta không thể không nhắc đến quá trình chuyển đổi nền bóng đá bán chuyên nghiệp sang nền bóng đá chuyên nghiệp cách đây gần 20 năm. Để bóng đá Việt Nam được gọi là chuyên nghiệp, và đề có một lứa cầu thủ tài năng, không scandal (ít nhất cho đến thời điểm này), chúng ta phải cảm ơn những "ông bầu" của làng bóng đá Việt Nam như Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB), Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Long An), và Đỗ Quang Hiển (Hà Nội T&T).

Trước hết, họ là những doanh nhân giàu có, dám mạnh tay chi cho những hợp đồng “bom tấn”; dám hy sinh lợi ích trước mắt để đầu tư cho tương lai CLB của mình nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Quan trọng hơn, họ yêu bóng đá thật lòng; họ đến với bóng đá không chỉ vì mục đích kinh doanh hay tìm kiếm chút lợi thế cho các dự án ở địa phương. Dù công việc kinh doanh có gặp khó khăn, dù đội bóng của họ ở vào hoàn cảnh nào, họ chưa bao giờ “chạy làng”, cũng như chưa bao giờ lên tiếng dọa dẫm bỏ giải V-league như rất nhiều ông bầu khác.

Trước tiên, phải kể đến ông bầu Đoàn Nguyên Đức của CLB Hoàng Anh Gia Lai, nếu chọn một CLB có cách làm bóng đá bài bản, có lẽ không CLB nào trong nước vượt qua được CLB phố núi này. Bầu Đức tiếp quản đội bóng Gia Lai – Kon Tum vào năm 2001 và đổi tên thành CLB Hoàng Anh Gia Lai. Ngay trong năm 2002, ông ký hợp đồng bom tấn với danh thủ Thái Lan Kiatisuk trong sự ngỡ ngàng của cả khu vực Đông Nam Á. Cho đến nay, bản hợp đồng ký với Kiatisuk vẫn được xem là bản hợp đồng thành công nhất của bóng đá Việt Nam.

Nhưng, không chỉ bạo chi cho những ngôi sao tên tuổi, bầu Đức còn quyết tâm làm bóng đá một cách bài bản. Đó là việc Hoàng Anh Gia Lai ký thỏa thuận với “pháo thủ” thành London Arsenal vào năm 2007 để mở học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG. “Lò ấp” này chính là nơi đã giới thiệu những gương mặt trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn, Xuân Trường, A Hoàng, Hồng Duy,… và hiện nay nền bóng đá nước nhà đang hưởng lợi từ chính sách làm bóng đá dài hơi này.

Chính “những đứa trẻ nhà bầu Đức” này đã khiến ông chủ CLB mạnh tay thay máu toàn bộ đội hình CLB HAGL vào năm 2015, khi đó họ mới chỉ là lứa cầu thủ U19.

Ông bầu thứ hai cần phải nhắc đến là Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An. Cũng giống như bầu Đức, bầu Thắng lăn lộn với V-League từ khi giải đấu này từ năm 2001. Chủ tịch CTCP Đồng Tâm cũng có chân trong BLĐ CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và là người mở ra phong trào xã hội hóa bóng đá.

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, cuộc chiến “gạch” – “gỗ” (cách ví von của người hâm mộ mỗi khi hai CLB Đồng Tâm Long An và HAGL gặp nhau) vẫn luôn là tâm điểm của V-league và được coi là cuộc chiến nhiều duyên nợ nhất kể từ khi bản đồ bóng đá Việt Nam không còn những cái tên như Thể Công, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn.

Đồng Tâm Long An đã trở thành “ông lớn” của V-League bằng cách vô địch giải đấu này 2 mùa giải liên tiếp trong các năm 2005 và 2006, cũng như vô địch Cúp Quốc gia năm 2005 và đoạt siêu Cúp Quốc gia năm 2006.

Ở mùa giải 2018, V-League sẽ vắng bóng Đồng Tâm Long An do CLB này phải xuống chơi ở giải hạng nhất. Mặc dù vậy, CĐV của đội bóng này hoàn toàn có thể tin tưởng “Gạch” sẽ lại thăng hạng vào cuối mùa, như cách họ đã từng vô địch giải hạng nhất mùa bóng năm 2012.

Ông bầu thứ ba, có lẽ cũng là ông bầu có tiềm lực nhất và cũng kín tiếng nhất là bầu Đỗ Quang Hiển. Bầu Hiển đến với bóng đá muộn hơn so với những “công thần” của V-League, nhưng không ai có thể nghi ngờ tình yêu của ông với bóng đá, càng không thể nghi ngờ cách làm bóng đá một cách bài bản của ông.

Dưới sự tài trợ của Tập đoàn T&T, CLB Hà Nội (trước đây là T&T Hà Nội) trở thành niềm hy vọng duy nhất của người hâm mộ Thủ đô sau khi CLB Bóng đá Hà Nội (đội bóng của bầu Kiên) phải giải thể khi không tìm được nhà tài trợ.

T&T Hà Nội chính thức lên chơi ở giải đấu V-League từ năm 2009, một năm sau đó, năm 2010 đội bóng này chấm dứt cơn khát danh hiệu cho bóng đá Thủ đô bằng chức vô địch V-League kể từ lần vô địch của Thể Công năm 1998. Trong phòng làm việc của ông Đỗ Quang Hiển tại Hội sở của Ngân hàng SHB, ở vị trí trang trọng nhất có treo một tấm ảnh cỡ lớn, đó là hình ảnh bầu Hiển được các cầu thủ T&T Hà Nội công kênh sau khi kết thúc trận đấu với Navibank Sài Gòn và chính thức giành chức vô địch lịch sử này.

Tuy nhiên, việc ôm đồm hơn một đội bóng đã khiến bầu Hiển nhận không ít chỉ trích do lo ngại tính khách quan của giải đấu. Ông Hiển chỉ thừa nhận mình sở hữu đội bóng duy nhất là CLB Hà Nội, còn SHB Đà Nẵng và QNK Quảng Nam chẳng qua chỉ là những đội bóng do các đơn vị của ông tài trợ.

Vốn là một đại gia kín tiếng, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cũng hiếm khi “nổ” về những gì ông làm với bóng đá. Cho dù vậy, người hâm mộ vẫn bắt gặp hình ảnh một ông bầu ngồi trên khán đài sân Hàng Đẫy, lặng lẽ quan sát các cầu thủ thi đấu, lặng lẽ như cách ông làm với bóng đá Việt Nam.

Ông bầu còn lại trong số 4 ông bầu chúng tôi muốn nhắc đến là Nguyễn Đức Kiên, nguyên Chủ tịch CLB Hà Nội ACB (sau này là CLB bóng đá Hà Nội và đã bị giải thể sau khi ông Kiên bị bắt trong một vụ án kinh tế).

Trái với sự kín tiếng của bầu Hiển, bầu Kiên lại luôn biết cách làm thế nào để gây ảnh hưởng của bản thân đến người khác. “Gã đầu bạc” thường xuyên đứng bên đường piste để úy lạo tinh thần cầu thủ, tranh cãi với trọng tài, như kiểu ông mới là HLV.

Bầu Kiên tiếp quản CLB Đường sắt Việt Nam từ năm 2000 và đổi tên thành CLB Hà Nội ACB. Mặc dù chưa một lần biết đến dư vị của chức vô địch V-League, nhưng Hà Nội ACB luôn dành được tình cảm của người hâm mộ bởi chủ trương làm bóng đá “sạch” của bầu Kiên. Ông không chấp nhận cách làm bóng đá theo kiểu ăn xổi, sản phẩm tiêu biểu của cách làm bóng đá bài bản này là tiền vệ tài hoa Phạm Thành Lương. Cựu tuyển thủ quốc gia tập luyện cùng đội trẻ của Hà Nội ACB từ năm 15 tuổi, đến năm 2005 Lương “dị” vô địch giải U21 Việt Nam cùng với U21 Hà Nội ACB và trở thành biểu tượng của CLB bởi lòng trung thành cũng như lối sống giản dị.

Điều đáng tiếc là sau khi ông Nguyễn Đức Kiên vướng vòng lao lý vào năm 2012, ACB cắt tài trợ, CLB quyết định không đăng ký tham dự V-League 2013, chính thức giải thể CLB. Do vậy mà dấu ấn của bầu Kiên đối với bóng đá hiện tại không thực sự rõ ràng, nhưng chính cách làm bóng đá “sạch” của ông mới là cách duy nhất để các CLB đào tạo các lứa cầu thủ lắm tài nhưng không nhiều tật.

PV/ Infornet

Đăng ký nhận tin
KienlongBank