Tổng quan kinh tế:
Tăng trưởng GDP quý II/2018 chững lại sau quý I tăng tích cực, trong khi lạm phát tăng cao và cả nước tiếp tục nhập siêu trong tháng 6.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I là 7,45% và quý II tăng 6,79%. Tuy khác với những năm trước, GDP quý II năm nay tăng chậm lại so với quý I, nhưng đây đã là mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng nền kinh tế vẫn là công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, lần lượt tăng 9,07% và 6,9%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017 đối với ngành công nghiệp – xây dựng.
Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao với mức 13,02%, mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm với mức giảm 1,3%, nhưng đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,8% của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, công nghiệp chế biến, chế tạo khó tăng cao 6 tháng cuối 2018, do sản xuất điện tử, điện máy sẽ tăng chậm lại còn ngành khai khoáng giảm đi, Samsung sẽ có sản phẩm mới trong 6 tháng cuối năm nhưng mức tăng sẽ khó vượt 6 tháng cuối 2017.
Nhận định về tăng trưởng trong quý III và cả năm, các chuyên gia phân tích cho rằng, các con số sẽ tiếp tục cao, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ không có trường hợp quý sau cao hơn quý trước như các năm trước đây. Tất nhiên, điều này chỉ có thể đạt được trong giả định không có yếu tố đột biến mạnh bất lợi từ bên ngoài hay thiên tai.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng Sáu có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước đó và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Tổng cục Thống kê cũng đưa ra con số sơ bộ về xuất nhập khẩu nửa năm 2018, cho thấy sau khi xuất siêu 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6. Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa cả nước tháng 6 ước tính nhập siêu 100 triệu USD; tính chung 6 tháng đầu năm tiếp tục xuất siêu 2,71 tỷ USD.
Tóm lược thị trường trong nước:
Trên thị trường ngoại tệ, tuần từ 25 – 29/6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tăng niêm yết tỷ giá trung tâm ở hầu hết các phiên, ngoại trừ phiên cuối tuần giảm nhẹ. Chốt tuần 29/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.650 VND/USD, tăng 30 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức thấp hơn 20 đồng so với trần tỷ giá tại tất cả các phiên, chốt phiên cuối tuần tại mức 23.310 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng của các tuần trước đó. Chốt phiên cuối tuần 29/6, tỷ giá giao dịch ở mức 22.963 VND/USD, tăng mạnh 95 đồng so với cuối tuần trước đó.
Sau khi tăng mạnh tuần trước đó, tỷ giá trên thị trường tự do đã giảm vào các phiên cuối tuần qua. Kết thúc phiên cuối tuần 29/6, tỷ giá giảm 10 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch quanh mức 23.050 – 23.080 VND/USD.
Với thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ trở lại trong tuần qua ở tất cả các kỳ hạn so với tuần trước đó. Chốt phiên 29/6, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 0,85% (+0,07 điểm phần trăm); 1 tuần 1,00% (+0,13 điểm phần trăm); 2 tuần 1,20% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tháng 1,60% (+0,07 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên trong tuần. Chốt phiên cuối tuần 29/6, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 1,98% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 2,08% (+0,06 điểm phần trăm); 2 tuần 2,15% (+0,05 điểm phần trăm); 1 tháng 2,33% (+0,05 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh khối lượng chào thầu tín phiếu xuống mức 34.000 tỷ đồng ở 2 kỳ hạn: kỳ hạn 28 ngày chào thầu 18.000 tỷ đồng và kỳ hạn 91 ngày 16.000 tỷ đồng. Tổng khối lượng trúng thầu cũng rất thấp, chỉ ở mức 7.300 tỷ đồng, trong đó 2 phiên cuối tuần không có tín phiếu trúng thầu.
Cụ thể, kỳ hạn 28 ngày trúng thầu 3.200 tỷ đồng với lãi suất duy trì ở mức 1,25%; kỳ hạn 91 ngày trúng thầu 4.100 tỷ đồng với lãi suất cũng không thay đổi ở mức 1,85%. Trong tuần không có tín phiếu đáo hạn, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 150.499 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong tuần với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,75%, nhưng không có khối lượng trúng thầu. Trong tuần có 19 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 7.319 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần qua.
Đối với thị trường trái phiếu, trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước duy trì mức gọi thầu 7.200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở 6 loại kỳ hạn 5 – 30 năm. Mặc dù khối lượng dự thầu cao gấp hơn 2 lần khối lượng cần huy động, song chỉ có 4.400 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở 3 loại kỳ hạn 10, 15 và 20 năm trúng thầu, tương đương tỷ lệ trúng thầu 61%. Các kỳ hạn còn lại không có khối lượng trúng thầu.
Lãi suất trúng thầu tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước, cụ thể: kỳ hạn 10 năm giao dịch tại 4,37%, 15 năm 4,7%, và 20 năm 5,2%.
Với chứng khoán, thị trường tiếp tục có một tuần giao dịch tiêu cực khi cả 2 chỉ số đều giảm điểm khá mạnh 3 phiên giữa tuần và chỉ hồi phục nhẹ các phiên còn lại. Chốt tuần 29/6, VN-Index đóng cửa ở 960,78 điểm, giảm 22,39 điểm (-2,28%) so với cuối tuần trước đó. Tương tự, HNX-Index giảm mạnh 5,81 điểm (-5,19%) xuống mức 106,17 điểm.
Thị trường giao dịch kém sôi động với thanh khoản ở mức thấp, giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng trên 4.700 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng trong tuần qua với tổng giá trị trên 1.900 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
Tin quốc tế:
Trên thị trường tài chính quốc tế tuần qua, giới đầu tư tỏ ra lo ngại xung đột thương mại leo thang căng thẳng sau một loạt hành động "ăn miếng trả miếng" thuế quan giữa Mỹ và một số đối tác thương mại lớn.
Trong vòng 10 ngày qua, nhân dân tệ (CNY) liên tục giảm, đánh dấu chuỗi phiên giảm giá dài nhất trong 2 năm trở lại đây. Điều này khiến các nhà giao dịch tin rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) có thể giảm giá đồng nội tệ sâu hơn trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ ngấp nghé “miệng hố” chiến tranh thương mại.
Tại châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh EU đi đến một tuyên bố chung, bao gồm cả thỏa thuận về vấn đề nhập cư giúp đồng EUR hồi phục trong tuần qua. Việc đạt được thỏa thuận tại hội nghị lần này khiến các lãnh đạo EU thở phào nhẹ nhõm trước những vấn đề hóc búa có thể đe dọa tới liên minh, khu vực tự do đi lại.
Giá dầu tăng vọt, vượt ngưỡng 74 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014, bất chấp việc OPEC cùng với các đồng minh đạt được thỏa thuận gia tăng sản lượng từ tháng 7. Giá dầu tăng mạnh sau khi có thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các nước ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.
P.L
Nguồn : Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB