• English

Tin thị trường

Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/6

Tỷ giá trung tâm giảm nhẹ 5 đồng; VN-Index tăng 7,35 điểm, lên 990,52 điểm, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp... đó là một số thông tin kinh tế đáng chú ý ngày hôm qua (25/6).



Tóm lược thông tin trong nước

Ngày 25/6, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.615 VND/USD, giảm nhẹ 5 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức 23.273 VND/USD.

Trên thị trường liên ngân hàng (LNH), tỷ giá chốt phiên giao dịch ở mức 22.918 VND/USD, tăng mạnh 50 đồng so với phiên 22/6. Tỷ giá tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch quanh mức 23.040 – 23.060 VND/USD.

Trong phiên 25/6, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng nhẹ 0,03 – 0,07 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn, ngoại trừ kỳ hạn 2 tuần không thay đổi so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 0,81%; 1 tuần 0,94%; 2 tuần 1,17% và 1 tháng 1,57%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch ở mức: qua đêm 1,96%; 1 tuần 2,03%; 2 tuần 2,13%, 1 tháng 2,30%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn ngắn trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn 15 năm, cụ thể 3 năm 2,97%; 5 năm 3,52; 7 năm 4,08%; 15 năm 5,03%.

Với nghiệp vụ thị trường mở, phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu tín phiếu NHNN ở 2 kỳ hạn 28 ngày và 91 ngày với khối lượng 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn. Các TCTD hấp thụ được 700 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày và 1.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày, lãi suất không thay đổi so với phiên trước đó. Trong ngày không có tín phiếu đến hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 1.700 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 144.899 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi tăng mạnh vào đầu phiên, đà hưng phấn của thị trường không duy trì được lâu trong phiên hôm qua, lực cầu yếu dần khiến đà tăng của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị thu hẹp lại đáng kể.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,35 điểm (+0,75%) lên 990,52 điểm; HNX-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%) lên 111,99 điểm. Tương tự các phiên trước, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt trên 3.700 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ với khối lượng gần 52 tỷ đồng trên cả hai sàn trong phiên hôm qua.

Theo liên Bộ Tài chính - Công Thương giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 22/6 giảm trên 300 đồng/lít, giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu như trước đó. Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng E5 bán lẻ đến người dùng ở mức 19.611 đồng/lít, giảm 329 đồng/lít; Xăng A95 giảm 334 đồng/lít, bán lẻ không cao hơn mức 21.177 đồng/lít; Giá dầu diesel giảm cao nhất 386 đồng/lít, giá bán lẻ đến người dùng với dầu diesel là 17.460 đồng/lít; dầu hỏa 16.054 đồng/lít; dầu mazut 14.437 đồng/kg.

Đợt điều chỉnh này không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6, do kỳ lấy số liệu kết thúc vào ngày 15/6, nhưng sẽ níu giữ lạm phát các tháng sau.

Thông tin quốc tế

Doanh số bán nhà mới của Mỹ tăng 6,7% theo năm, lên mức 689.000 căn trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 11/2017 vượt mức dự báo tăng lên 665.000 căn của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, số liệu tháng 4 bị điều chỉnh giảm xuống mức 646.000 căn từ mức 662.000 căn được công bố trước đó.

Chỉ số môi trường kinh doanh tại Đức ở mức 101,8 điểm trong tháng 6, thấp hơn mức 102,3 điểm của tháng 5 và dự báo 101,9 điểm của thị trường. Niềm tin của các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu chịu ảnh hưởng lớn từ những tranh chấp thương mại leo thang với Mỹ, trong khi sự chia rẽ trong Đảng liên minh của Thủ tướng Angela Merkel đối với vấn đề nhập cư chưa được phản ánh trong khảo sát này.

Biên bản kỳ họp tháng 6 cho thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ sẽ kiên nhẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cho đến khi lạm phát đạt ngưỡng mục tiêu 2% một cách bền vững.

Với việc lạm phát vẫn thấp dai dẳng dưới mục tiêu sau 5 năm thực hiện gói kích thích tiền tệ khổng lồ, các nhà hoạch định chính sách cho rằng cần phải tích cực truyền thông về sự kiên định của Ngân hàng Trung ương với mục tiêu ổn định giá cả của mình. Tuy nhiên, BOJ cho biết sẽ thận trọng đối với việc chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài có thể gây bất ổn nghiêm trọng các điều kiện kinh tế tài chính của nước này. 

 

Nguồn :

 


Đăng ký nhận tin
KienlongBank