Tóm lược tin trong nước:
Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.640 VND/USD, tăng 8 đồng so với phiên đầu tuần. Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết tỷ giá bán ra ở mức 23.050 VND/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên giao dịch ở mức 23.042 VND/USD, giảm 3 đồng so với phiên 9/7. Tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra, giao dịch quanh mức 23.150 – 23.180 VND/USD.
Phiên 10/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,01 – 0,07 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 1,13%; 1 tuần 1,27%; 2 tuần 1,40% và 1 tháng 1,67%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn, trong khi giữ nguyên ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng; giao dịch ở mức: qua đêm 2,05%; 1 tuần 2,15%; 2 tuần 2,27%, 1 tháng 2,42%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở kỳ hạn 3 năm, trong khi tăng mạnh ở các kỳ hạn còn lại; cụ thể 3 năm 3,02%; 5 năm 3,58; 7 năm 4,14%; 15 năm 5,13%.
Với nghiệp vụ thị trường mở, phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước duy trì chào thầu 4.000 tỷ đồng tín phiếu, chia đều cho 2 kỳ hạn 28 ngày và 91 ngày. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày với lãi suất giữ nguyên ở mức 1,25% và 300 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày, lãi suất 1,85%. Trong ngày có 8.700 tỷ đồng tín phiếu đến hạn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 6.400 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 125.109 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch hôm qua diễn ra kém tích cực khi dòng tiền tiếp tục đứng ngoài thị trường, đồng thời áp lực bán ròng của khối ngoại khiến thị trường thêm ảm đạm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,0 điểm (-0,44%), đóng cửa ở mức 911,12 điểm; trong khi HNX tăng 0,86 điểm (+0,85%) lên 101,62 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức rất thấp với tổng giá trị giao dịch 3.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp với khối lượng gần 64 tỷ đồng trên cả hai sàn.
Ban Chỉ đạo điều hành giá thống nhất một kịch bản điều hành duy nhất là mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân từ mức 3,7- 3,9%.
Tin quốc tế:
Chỉ số niềm tin kinh tế tại Đức tiếp tục giảm 8,6 điểm xuống -24,7 điểm trong tháng 7, thấp hơn mức dự báo -17,9 điểm của thị trường và là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012.
Lần đầu tiên Văn phòng Thống kê Anh công bố dữ liệu tăng trưởng GDP theo tháng, theo đó kinh tế Anh tăng tốc 0,3% trong tháng 5 so với mức 0,2% của tháng 4. Ngành sản xuất phục hồi yếu ớt với sản lượng sản xuất tăng 0,4% trong tháng 5, không đạt kỳ vọng tăng 1% của thị trường. Trong một báo cáo khác cùng ngày, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thâm hụt 12,4 tỷ GBP trong tháng 5, cao hơn mức ước tính 11,9 tỷ của các chuyên gia.
Chỉ số niềm tin kinh doanh Úc đạt 6 điểm trong tháng 6, tương đương mức trung bình dài hạn song giảm 1 điểm so với số liệu điều chỉnh lên của tháng 5.
P.L
Nguồn : Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB