• English

Tin thị trường

Địa phương dành hàng nghìn tỷ đồng cho hàng bình ổn giá

(TBTCO) - Do các địa phương chủ động thực hiện chương trình bình ổn giá, đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tham gia không cần hỗ trợ vốn vay từ NSNN, nên giá cả dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất được kiểm soát tốt. 

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 04/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã có 40/63 UBND tỉnh, thành phố ban hành Chỉ thị, Kế hoạch bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó, có nhiều địa phương lớn với sức mua cao, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa…

Các địa phương đã chủ động theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng hóa thiết yếu, chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa. Trong đó, đặc biệt chú ý không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá.

Chương trình bình ổn giá cả thị trường kết hợp với đưa hàng Việt về nông thôn được địa phương đặc biệt chú trọng. Trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia không cần hỗ trợ vốn vay từ ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp chủ động nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán và có kế hoạch tổ chức hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, hội chợ xuân, các chương trình khuyến mại, giảm giá…

Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu với sự tham gia của 100 nhà phân phối trên địa bàn, 200 doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của 50 tỉnh thành phố; có 44 bản ghi nhớ hợp đồng với tổng trị giá 25.500 tỷ đồng được ký kết, trong đó tiêu thụ tại Hà Nội là 20.000 tỷ đồng, phát luồng đi các địa phương lân cận là 5.500 tỷ đồng.

Triển khai chương trình bình ổn giá cả thị trường, Hà Nội có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình với 1.300 điểm bán hàng, 2 tổ chức tín dụng tham gia cho vay lãi suất ưu đãi với số vốn 2.100 tỷ đồng. Thành phố đã tập trung tổ chức 10 phiên chợ bán hàng Việt, 300 chuyến hàng lưu động, tổ chức tháng khuyến mại Hà Nội năm 2017… Ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết 2018 tại Hà Nội đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Đinh Dậu 2017.

Tại TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tham gia trong Chương trình Bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất năm 2018. Lượng hàng chuẩn bị tăng 12% - 15% so kế hoạch Thành phố giao và tăng 20% - 30% so kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32% – 55% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 57,1%), trứng gia cầm (47,1%), thực phẩm chế biến (39,1%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...

Qua so sánh với giá bình quân của các chợ bán lẻ trên địa bàn thành phố, giá gạo thấp hơn giá thị trường 9 – 17%, giá đường ăn thấp hơn 12%, giá dầu ăn thấp hơn 8%, thịt gia cầm thấp hơn 12 – 28%, thịt gia súc thấp hơn 11,2 – 21,8%, trứng gia cầm thấp hơn 7 – 10%.

Thành phố Đà Nẵng, các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố chủ động đăng ký dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết 2018 với tổng giá trị trên 829,5 tỷ đồng.

Thành phố Cần Thơ có 9 doanh nghiệp tham gia bình ổn trên địa bàn với trị giá nguồn hàng dự trữ là 403 tỷ đồng…

Ngoài ra, nhiều tỉnh thành phố cũng đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường như Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tiền Giang, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nam Định, Cà Mau, Quảng Trị, Bình Dương...

Sau Tết bắt đầu là thời điểm của Lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ có xu hướng tăng.

Do đó, để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả trong tháng 3 và quý II/2018, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp theo Chỉ thị của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong đó, chú trọng công tác quản lý giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, giá cước vận tải, dịch vụ trông giữ xe máy, ô tô.../. 

Minh Anh

Đăng ký nhận tin
KienlongBank