• English

Tin thị trường

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm 2025.

de-xuat-tiep-tuc-giam-thue-gia-tri-gia-tang-6-thang-2025

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Cần tiếp tục giảm thuế GTGT để tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế

Trong giai đoạn 2022-2024, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại các Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.

Năm 2023, việc giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 trong 6 tháng cuối năm 2023 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022.

Năm 2024, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ước khoảng 49 nghìn tỷ đồng.

Theo thông tin về diễn biến kinh tế - xã hội thời gian qua tại Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ và Báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nhiều điểm tích cực.

Tính chung 10 tháng năm 2024: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD. Tổng thu NSNN đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Từ kết quả đạt được nêu trên, có thể đánh giá rằng, chính sách giảm thuế GTGT 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế GTGT là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT.

Theo baochinhphu.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank