Theo cơ quan soạn thảo, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 10 là cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý cũng như yêu cầu thực tiễn.
Hiện tại khuôn khổ pháp lý về hoạt động TTTD được quy định tại các văn bản sau: Nghị định 10 và Thông tư số 16/2010/TT-NHNN ngày 25/6/2010 của NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định 10, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 27/2014/TT-NHNN ngày 18/9/2014 và Thông tư số 23/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 (Thông tư 16).
Trong khi, việc cung ứng dịch vụ TTTD là một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư 2014. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của Luật Đầu tư 2014 về việc các điều kiện hoạt động TTTD được quy định dưới hình thức từ Nghị định trở lên, Nghị định 57/2016/NĐ-CP đã thực hiện sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định 10 nhằm cụ thể hóa các quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động TTTD.
Tuy nhiên, nhằm bảo đảm thời gian ban hành Nghị định 57/2016/NĐ-CP trước ngày 01/7/2016, nên Nghị định 57/2016/NĐ-CP chưa thực hiện tổng kết, đánh giá toàn diện 6 năm việc thực hiện Nghị định 10 để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp.
Đồng thời, việc ban hành và có hiệu lực của các Bộ Luật, Luật sau khi có Nghị định 57/2016/NĐ-CP tiếp tục đặt ra các yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện các quy định tại Nghị định để bảo đảm tính phù hợp và thống nhất với các quy định liên quan.
Cụ thể, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 38 Luật Dân sự 2015 quy định: “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Tuy nhiên, tại chương III Nghị định 10 quy định chi tiết về hoạt động TTTD gồm việc: Thu thập TTTD, xử lý TTTD, lưu giữ TTTD và cung cấp TTTD. Như vậy, cần nghiên cứu, quy định cụ thể các hoạt động TTTD nhằm bảo đảm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của khách hàng theo Điều 38 Luật Dân sự nêu trên.
Bên cạnh đó, hiện Nghị định 10 hướng dẫn chi tiết về điều kiện hoạt động TTTD, thủ tục cấp giấy chứng nhận, còn các quy định về trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ, mẫu đơn, tờ khai, cầu về hoạt động TTTD được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 16 của NHNN. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi các TTHC tại Thông tư 16 và bổ sung các thủ tục này vào Nghị định 10 để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Mặt khác, theo NHNN Việt Nam, sau hơn 6 năm áp dụng kể từ ngày có hiệu lực thi hành, Nghị định 10 và các văn bản hướng dẫn không còn phù hợp với tình hình thực tế như: Phạm vi quy định tại Nghị định 10 không bao gồm hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), trong khi đó CIC có hoạt động kinh doanh TTTD thương mại (hoạt động có thu phí) có thể dẫn đến sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh TTTD, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường cung ứng dịch vụ TTTD, tăng chi phí sử dụng dịch vụ TTTD của các pháp nhân, cá nhân trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động TTTD chưa phù hợp với tình hình thực tế của Công ty TTTD, cũng như chưa bảo đảm sự an toàn và phát triển ổn định của Công ty TTTD; Việc bảo vệ quyền bí mật cá nhân, quyền con người theo Luật Dân sự…
Hơn nữa, thị trường TTTD Việt Nam thời gian qua được đánh giá là chưa phát triển và tính cạnh tranh chưa cao, cụ thể Việt Nam mới chỉ có 01 Công ty TTTD được thành lập (Công ty cổ phần TTTD Việt Nam – PCB) và 01 Trung tâm TTTD Quốc gia Việt Nam (CIC – tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN) theo Quyết định số 324/QĐ-NHNN ngày 26/2/2014 của NHNN hoạt động trong lĩnh vực TTTD.
Trong khi đó nhu cầu TTTD lại lớn với số lượng 42 ngân hàng, 27 công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hơn 1100 QTDND và các tổ chức, cá nhân khác.
Ngoài ra, các nguồn thông tin khác chưa nhiều hoặc khó tiếp cận, các yêu cầu về công khai, minh bạch thông tin chưa thực sự được coi trọng, khách hàng che giấu lịch sử TTTD của bản thân, làm ảnh hưởng đến chất lượng của các khoản cấp tín dụng.
Thêm vào đó, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của nền kinh tế cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về TTTD hợp pháp, phong phú, đáng tin cậy.
Từ các yêu cầu thực tiễn nêu trên, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý (Nghị định 10 và các văn bản hướng dẫn liên quan) việc để phát triển thị trường TTTD, bảo đảm hoạt động của Công ty TTTD hiệu quả, phát triển bền vững càng cần thiết và cấp bách hơn.
Cũng theo NHNN Việt Nam, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 10 nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản sau đây.
Thứ nhất là bảo vệ lợi ích của khách hàng. Theo đó, Nghị định thay thế Nghị định 10 có quy định về việc giữ bí mật, lưu trữ và hạn chế cung cấp TTTD. Điều đó, tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh hơn cho Công ty TTTD, TCTD, chi nhánh NHNNg thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với khách hàng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Bên cạnh đó, Nghị định thay thế Nghị định 10 quy định chặt hơn về điều kiện của đội ngũ quản lý, nhằm giảm thiểu rủi ro đạo đức trong quá trình thực hiện quản lý hoạt động tại Công ty TTTD.
Mục tiêu thứ hai là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các TCTD, chi nhánh NHNNg, PCB trong hoạt động TTTD.
Trong quá trình tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 10, ý kiến của các TCTD, chi nhánh NHNNg và các bộ ngành liên quan (Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và đầu tư) tập trung vào một số quy định sau.
Một là, quy định về phạm vi điều chỉnh: Bên cạnh hoạt động TTTD của CIC nhằm mục tiêu thực hiện quản lý nhà nước, CIC còn cung cấp TTTD có thu phí. Do đó, để tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh trên thị trường cung ứng dịch vụ TTTD cần đưa hoạt động TTTD có thu phí của CIC vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 10.
Hai là quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận: Quy định “Có tối thiểu 20 NHTM cam kết cung cấp TTTD và các ngân hàng này không có cam kết tương tự đối với Công ty TTTD khác” làm hạn chế số lượng Công ty TTTD được thành lập.
Ba là quy định về thu hồi giấy chứng nhận: Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 10, Công ty TTTD bị thu hồi giấy chứng nhận tạm thời trong vòng 6 tháng trong 3 trường hợp. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 9 chỉ đề cập đến 1 trường hợp bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn. Đề xuất bổ sung thêm quy định về chế tài áp dụng đối với 02 trường hợp còn lại (tiết b, c khoản 1 Điều 9).
Bốn là, quy định về cung cấp TTTD: Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 10, Công ty TTTD được cung cấp sản phẩm thông tin cho 04 đối tượng. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định về trường hợp tổ chức, cá nhân khác ngoài 04 đối tượng này muốn khai thác TTTD về khách hàng thì Công ty TTTD có được cung cấp sản phẩm TTTD cho họ không? Điều kiện như thế nào? Việc này sẽ giúp minh bạch hóa thông tin liên quan đến tín dụng và giúp việc bảo đảm nghĩa vụ các bên, tuy nhiên cũng cần có các quy định về bảo mật thông tin khách hàng.
Năm là quy định về quản lý: Cơ quan QLNN cần có các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thẩm định để bảo đảm các Công ty TTTD có đầy đủ quy định, quy trình, chính sách, hệ thống CNTT, hệ thống kiểm soát… hiệu quả, bảo đảm thông tin khách hàng do TCTD cung cấp được quản lý và lưu giữ, không vi phạm việc bảo mật thông tin của khách hàng.
Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của hệ thống VBQPPL.
Trên tinh thần đó, NHNN Việt Nam đã xây dựng và đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Đề cương Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thông tin tín dụng
Cụ thể, Dự thảo Nghị định bao gồm 7 Chương, 25 Điều, quy định về hoạt động thông tin tín dụng.
Trong đó, Chương I: gồm 05 Điều, từ Điều 1 đến Điều 5 quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc và các hành vi bị cấm trong hoạt động thông tin tín dụng.
Chương II: gồm 06 Điều, từ Điều 6 đến Điều 11 quy định về Điều kiện cấp Giấy chứng nhận, Thủ tục và thẩm quyền cấp, cấp lại, thay đổi nội dung, thu hồi Giấy chứng nhận, Quyền và nghĩa vụ của Công ty thông tin tín dụng
Chương III: gồm 05 Điều, từ Điều 12 đến Điều 16 quy định về thu thập, xử lý, lưu giữ thông tin tín dụng và cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng.
Chương IV: gồm 02 Điều, từ Điều 17 đến Điều 18 quy định về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cấp tín dụng và khách hàng
Chương V: gồm 02 Điều, từ Điều 19 đến Điều 20 quy định về thẩm quyền và nội dung quản lý nhà nước về hoạt động thông tin tín dụng.
Chương VI: gồm 02 Điều, từ Điều 21 đến Điều 22 quy định về thủ tục khiếu nại của khách hàng và xử lý vi phạm về hoạt động thông tin tín dụng.
Chương VII: gồm 03 Điều, từ Điều 23 đến Điều 25 quy định về hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện.