VTV.vn - Doanh nghiệp nào có vốn chủ sở hữu mỏng lại đi vay nhiều sẽ phải chịu một cơ chế tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) kiểu khác, với mức chịu thuế cao hơn.
Đây là nội dung khái quát về đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra mới đây, cùng một loạt đề xuất thay đổi khác như trên thuế VAT hay tiêu thụ đặc biệt. Thực tế, đề xuất này đã từng được đưa ra vào năm 2015 để có thể áp dụng từ đầu năm 2016 nhưng chưa được thông qua. Và lần này, nội dung cũng không có nhiều thay đổi.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, nếu cơ cấu vốn vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, phần chi trả lãi vay này sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Còn với với các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác, tỷ lệ này giảm xuống còn 4 lần. Tức là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất được ưu tiên tỷ lệ vốn mỏng hơn. Riêng các lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng, tỉ lệ tối đa là không quá 12 lần vốn chủ sở hữu.
Bộ Tài chính có lý do chính đáng của mình khi đưa ra đề xuất này. Đó là tình trạng dùng đòn bẩy tài chính quá lớn của một số doanh nghiệp sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho chính họ và sau đó là cả các tổ chức tín dụng. Đây cũng là biện pháp để chống chuyển giá, đảm bảo lành mạnh hóa nền kinh tế.
Trong bản thuyết trình về đề xuất này, Bộ Tài chính cũng viện dẫn rất nhiều mô hình tương tự ở các nước. Theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu nên được áp dụng là 3:1. Các quốc gia như New Zealand, Đức, Australia, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Peru, Nam Phi, Bồ Đào Nha đều đã thông qua tỉ lệ này.
Ở một số nước phát triển, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn, như Canada là 2:1; Pháp, Mỹ là 1,5:1. Một số quốc gia khác cũng áp dụng tỉ lệ nhưng phân loại theo đối tượng. Ví dụ như tại Trung Quốc, quy định tỷ lệ 2:1 đối với doanh nghiệp thông thường và 5:1 đối với các tổ chức tài chính.
Tuy nhiên, không khó hiểu khi phản ứng tức thời của các doanh nghiệp trong nước sẽ là lo ngại, nhất là với những doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi vốn sẵn có của họ chẳng phải dư dả gì.
Nếu như áp dụng cách tính như theo đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo Luật Thu nhập doanh nghiệp, giới chuyên gia đã chỉ ra ngay một vấn đề: khi ấy bên cho vay tính phần lãi vào doanh thu, thu nhập của mình. Nhưng bên vay lại không được tính phần lãi ấy vào mặt chi phí. Như vậy sẽ chưa phù hợp với nguyên tắc kế toán.
Trung tâm Tin tức VTV24