Đề xuất quy định xử lý vi phạm về kiểm toán nhà nước
Theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp, việc ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu chi tiết hóa một số quy định của Luật KTNN như quy định về nhiệm vụ xây dựng và quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN. Khắc phục, tháo gỡ một số khó khăn trong quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động kiểm toán bởi pháp luật hiện còn thiếu những quy cụ thể về chế tài để xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Đồng thời, khắc phục quy định hiện hành chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công làm cơ sở tiến hành kiểm toán đối với tất cả các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và cả các cơ quan có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán…
Tại dự thảo Nghị quyết, KTNN cũng đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán là các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công làm cơ sở tiến hành kiểm toán đối với tất cả các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và cả các cơ quan có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí về sự cần thiết quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN để khắc phục khó khăn, vướng mắc và bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, việc KTNN đề xuất ban hành Nghị quyết của UBTVQH sẽ không bao quát hết các nội dung cần sửa đổi, quy định chi tiết.
Hơn nữa, Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã giao Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, hoàn thành trong năm 2019. Vì vậy, đề nghị KTNN tổng kết, đánh giá toàn diện và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật.
Đưa các nội dung đề xuất vào Luật KTNN
Cho ý kiến tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế triển khai hoạt động kiểm toán theo Luật KTNN còn có vướng mắc, bất cập. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong các quy định của Luật KTNN, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thanh tra... cũng có nội dung chưa bảo đảm sự kết hợp, phân công rõ ràng để cơ quan nào thực hiện đúng thẩm quyền cơ quan đó. Còn có chồng lấn, trùng lắp dẫn tới khó khăn cho cơ quan kiểm tra, thanh tra cũng như đối tượng thanh, kiểm tra...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, KTNN được kỳ vọng như một hiến định độc lập trong trách nhiệm quản lý tài sản công, tài chính công, tuy nhiên đến nay mục đích này chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân một phần do việc tổ chức thực hiện và một phần do Luật chưa cụ thể. Thực tế, việc chấp hành kết luận kiến nghị của kiểm toán có thời gian chỉ đạt 60 - 65%.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, việc nghiên cứu để hoàn thiện các quy định tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán là cần thiết. Nhưng việc dự thảo Nghị quyết đề xuất kiểm toán có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền tài sản thì phải bằng Luật của Quốc hội.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, theo dự thảo, chủ yếu KTNN đề xuất quyền mạnh hơn là mở rộng đối tượng và quyền xử phạt hành chính. Tuy nhiên, quyền này chỉ được quy định bằng luật chứ không thể bằng Nghị quyết của UBTVQH do “cái gì hạn chế quyền công dân thì phải được quy định bằng luật”.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc cụ thể hóa, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán nhà nước thuận lợi, đúng theo Luật là cần thiết, song các vấn đề cần cụ thể hóa theo đề nghị của KTNN lại thuộc các quy định của Luật. Do vậy, UBTVQH giao Tổng KTNN tổng kết, rà soát lại tất cả các nội dung của Luật hiện hành và phát hiện vướng mắc, sẽ trình Quốc hội để sửa Luật KTNN vào thời điểm thích hợp.
Tại phiên họp thứ 20 này, UBTVQH cho ý kiến về 3 dự án luật: Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
UBTVQH cũng sẽ xem xét việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn năm 2017 - 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước Kroong Pách thượng, tỉnh Đắk Lắk; nghe báo cáo về công tác triển khai, việc phân công chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26).
|