• English

Tin thị trường

Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia

(Chinhphu.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia, bao gồm các chính sách, pháp luật về kiểm soát độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh và các chính sách phát triển thị trường, trong đó có quy định pháp luật về gia nhập thị trường và kinh doanh nói chung và các hành động can thiệp của nhà nước nhằm giúp các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ba mươi năm đổi mới vừa qua là quá trình Việt Nam thực hiện tự do hóa và mở rộng thị trường trong nước, kết hợp đồng thời với từng bước hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Kết quả là các loại thị trường trong nền kinh tế ngày càng phát triển và hoàn thiện. Nhiều cải cách quan trọng đã được thực hiện nhằm tăng cường mức độ cạnh tranh của thị trường như xóa bỏ hoặc giảm thiểu nhiều rào cản hạn chế cạnh tranh hoặc phản cạnh tranh; các lĩnh vực có tính độc quyền nhà nước đã được thu hẹp, giá cả phần lớn các loại hàng hóa, dịch vụ đã được tự do hóa đã phản ánh đúng hơn quan hệ cung - cầu thị trường…

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn kém năng động với tốc độ tăng trưởng đang có chiều hướng suy giảm, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm, năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động ở mức thấp; hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội không cao. Tốc độ tăng trưởng trung bình 7,6% của giai đoạn 1990-2000 không còn duy trì được, đã giảm xuống còn 6,8% trong giai đoạn 2001-2010, 5,91% cho giai đoạn 2011-2015 và năm 2016 ước đạt 6,21% và mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% cho giai đoạn 2016-2020 khó có thể đạt được. Nguyên nhân cơ bản, xét về thể chế, là do vẫn còn tồn tại nhiều rào cản hạn chế cạnh tranh; đồng thời, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn phổ biến; quyền tự do kinh doanh chưa được thực thi đầy đủ, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, minh bạch, chưa bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng…

Trước thực trạng trên, ngày 01/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai thực hiện nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội khóa 14 về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của kinh tế giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017), trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia” trình Thủ tướng Chính phủ.

Giúp các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu của Đề án là đánh giá tổng thể hệ thống chính sách có liên quan đến cạnh tranh để xác định đúng thực trạng, khiếm khuyết và đề xuất các giải pháp cải cách góp phần phát triển thị trường cạnh tranh, thúc đẩy, nâng cao năng suất, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Đề án này tiếp cận chính sách cạnh tranh một cách tổng thể, bao gồm các chính sách, pháp luật về kiểm soát độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh và các chính sách phát triển thị trường, trong đó có quy định pháp luật về gia nhập thị trường và kinh doanh nói chung và các hành động can thiệp của nhà nước nhằm giúp các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Theo đó, chính sách cạnh tranh tổng thể không chỉ là Luật Cạnh tranh và thực thi pháp luật cạnh tranh mà còn các luật pháp và chính sách khác về mở rộng, phát triển và tự do hóa thị trường làm cho tất cả các loại thị trường ngày càng cạnh tranh hơn, năng động và hiệu quả hơn.

Chính vì vậy, phạm vi của Đề án là xem xét tổng thể về các cơ chế, chính sách có khả năng tác động đến cạnh tranh thị trường trong nền kinh tế.

Đề án gồm bốn phần: Phần thứ nhất trình bày khung chính chính sách cạnh tranh quốc gia trong một nền kinh tế thị trường. Phần thứ hai đánh giá thực trạng cạnh tranh và chính sách cạnh tranh ở Việt Nam, trong đó khái quát những kết quả đạt được và xác định những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân (so sánh với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế).

Phần thứ ba đề xuất những mục tiêu, quan điểm, định hướng giải pháp cải cách tổng thể chính sách cạnh tranh quốc gia ở Việt Nam. Phần thứ tư là tổ chức thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Khánh Linh/ Báo Chính Phủ


Đăng ký nhận tin
KienlongBank