• English

Tin thị trường

Đẩy nhanh tái cơ cấu các DN

Để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng với mức cao, ngoài nỗ lực, quyết tâm của ngành Ngân hàng, nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các bộ, ngành để giải quyết những vướng mắc hiện tại về cơ sở pháp lý trong hoạt động cho vay của các NHTM và đẩy nhanh việc tái cơ cấu các DN, nhất là các DNNN.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đã được Quốc hội phê chuẩn là 6,7%, để đạt được mục tiêu này, theo Thủ tướng Chính phủ 6 tháng cuối năm 2017 nền kinh tế phải đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2%. Đây là mức tăng trưởng cao, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn, nỗ lực phấn đấu, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và người dân.

Thủ tướng nêu rõ “đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành”. Với tinh thần đó Thủ tướng đề nghị Thống đốc NHNN có kế hoạch, lộ trình để làm sao bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng trên 20%, mà vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản, bảo đảm chỉ tiêu lạm phát… giải ngân không được giật cục mà rải đều. Theo Thủ tướng Chính phủ đây là kênh rất quan trọng cho phần tăng trưởng.

Thực sự đây là bài toán rất khó, nhưng ngành Ngân hàng đang quyết liệt thực hiện chỉ tiêu này.  Trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng  tín dụng đạt 9,06% trong khi đó huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư chỉ đạt 7%... thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Bù đắp cho thiếu hụt trong huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư để cho vay trong 6 tháng đầu năm là tiền gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các TCTD.

Theo báo cáo tháng 7/2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tiền gửi của KBNN tính đến cuối tháng 5/2017 đạt 143 nghìn tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm. Ngoài ra là nguồn tiền từ NHNN qua nghiệp vụ thị trường mở OMO. Nhưng 6 tháng cuối năm, nguồn tiền từ KBNN sẽ giảm sút, bởi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 6 tháng cuối năm phải giải ngân khẩn trương các công trình thuộc ngân sách Nhà nước, theo đó tiền gửi KBNN sẽ giảm mạnh tại các TCTD.

Thêm vào đó, áp lực giảm lãi suất cho vay, buộc các NHTM phải giảm lãi suất huy động. Đối với các NHTM lớn, với uy tín và mạng lưới rộng thì việc giảm lãi suất có thể vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng như 6 tháng đầu năm. Còn với các NHTM nhỏ, nếu hạ lãi suất huy động, hiển nhiên là khó có thể tăng trưởng được nguồn vốn huy động từ dân cư.

Giải quyết vấn đề nguồn vốn có thể là không khó đối với hệ thống ngân hàng. Vì hiện nay các NHTM nắm trong tay một lượng lớn trái phiếu Chính phủ, có thể bù đắp thiếu hụt vốn từ NHNN thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở, nhưng cũng chỉ có giới hạn để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất ở đây là quy mô vốn điều lệ đối với các NHTM lớn thuộc sở hữu Nhà nước nếu không được tăng kịp thời, thì việc tiếp tục tăng trưởng tín dụng sẽ không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Một lo ngại nữa là chất lượng tín dụng, bởi trong tình hình DN như hiện nay, nhiều DN đang thua lỗ.

Thực tế này cho thấy, để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng với mức cao, ngoài nỗ lực, quyết tâm của ngành Ngân hàng, nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các bộ, ngành để giải quyết những vướng mắc hiện tại về cơ sở pháp lý trong hoạt động cho vay của các NHTM và đẩy nhanh việc tái cơ cấu các DN, nhất là các DNNN.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank