• English

Tin thị trường

Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng

NHNN đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020. Theo đó, đối với dịch vụ thu ngân sách, phấn đấu 80% người nộp thuế tại các thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nộp thuế qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành Ngân hàng cần được đẩy mạnh, trong đó chú trọng đến việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo thanh toán thông suốt, qua đó góp phần đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng nói chung và phí dịch vụ công nói riêng. Đó là nội dung được đề cập đến trong chương trình hội thảo “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công” tổ chức ngày 16/11/2017 tại Hà Nội.

Thời gian qua, NHNN đã tiến hành khảo sát và tổng hợp về tình hình cung ứng dịch vụ thanh toán đối với việc thu phí dịch vụ công tại 96 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nghiên cứu kinh nghiệm các nước về giải pháp thanh toán đối với các khoản thuế, hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí và chi trả an sinh xã hội.Mục tiêu cụ thể

Trên cơ sở đó, NHNN đã đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020. Theo đó, đối với dịch vụ thu ngân sách, phấn đấu 80% người nộp thuế tại các thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nộp thuế qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách Nhà nước.

Về thanh toán tiền điện, đề án đặt mục tiêu 100% công ty điện lực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thỏa thuận hợp tác với ngân hàng để thực hiện thanh toán tiền điện qua ngân hàng; tại địa bàn thành phố, phấn đấu 80% số hóa đơn tiền điện được thanh toán qua ngân hàng và tất cả các cán bộ công chức, viên chức thực hiện thanh toán tiền điện qua ngân hàng cũng được đặt ra trong đề án. Để hiện thực hóa mục tiêu này, vừa qua một số ngân hàng đã ký kết thỏa thuận với tất cả 5 tổng công ty điện lực và những đơn vị này cũng đang tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai thanh toán tiền điện qua ngân hàng.

Với dịch vụ thanh toán tiền nước, hiện nay trên toàn quốc đã có 20 tỉnh, thành phố có công ty cấp nước ký kết thanh toán qua ngân hàng. Phấn đấu 100% tỉnh, thành phố có công ty cấp nước thỏa thuận hợp tác với ngân hàng để thu tiền nước và tại địa bàn thành phố, phấn đấu có 70% số hóa đơn tiền nước được thanh toán qua ngân hàng.

Đối với các dịch vụ công khác như nước, bảo hiểm xã hội, trường học, bệnh viện cũng đã bước đầu thiết lập cơ sở dữ liệu và kết nối với ngân hàng để thực hiện việc thanh toán.

Cần sự chung tay của các bộ, ngành

Đại diện Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, trên thực tế, việc thu phí dịch vụ thanh toán đối với dịch vụ công vẫn gặp khó khăn do chưa có cơ chế, lộ trình quy định cụ thể về việc triển khai thanh toán phí dịch vụ công. Bên cạnh đó, mạng lưới cung ứng dịch vụ thanh toán, việc kết nối thông tin dữ liệu giữa ngân hàng và đơn vị cung ứng dịch vụ công chưa được chuẩn hóa. Thói quen dùng tiền mặt của người dân còn phổ biến cũng làm hạn chế việc thanh toán phí dịch vụ công qua ngân hàng.

Tại hội thảo, NHNN đã đưa ra một số giải pháp nhằm giúp đề án sớm đạt được mục tiêu. Cụ thể, đó là cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán; triển khai các hình thức hiện đại phục vụ cho việc thu phí; Nâng cấp và đồng bộ hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu về thu nộp ngân sách giữa các đơn vị như: Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước để áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu. Sự vào cuộc của các bộ chủ quản như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH... UBND các tỉnh, thành phố cần có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.

Từ thực tế của đơn vị, đại diện BIDV nhận thấy, việc hướng dẫn hạch toán, đơn giản hóa thông tin kê khai rất cần thiết. Bên cạnh đó, NHNN cần triển khai chuyển tiền ngân sách theo mã hóa đơn và các tổ chức hành chính sự nghiệp, bệnh viện, trường học cần tạo điều kiện để ngân hàng tiếp cận dễ hơn.

Nhằm thúc đẩy việc thanh toán các khoản phí dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công được phát triển mạnh, trong thời gian tới cần sự chung tay vào cuộc của nhiều bộ, ngành và sự tuyên truyền rộng rãi của truyền thông để đề án sớm được ban hành.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank