Phát triển kinh tế tư nhân được Việt Nam xác định là một trong những trọng tâm cần thúc đẩy, đi kèm với đó là hoàn thiện thể chế cho các hoạt động này, nhằm tạo ra các bứt phá phát triển từ cơ hội và vị thế mới đem lại.
Đến nay, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và được xác định là một động lực của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm một lực lượng đông đảo, với khoảng 700.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nền kinh tế có nhiều biến động, nhưng khu vực tư nhân vẫn trụ vững. Khu vực kinh tế này hiện đóng góp hơn 40% GDP, khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ…
Đây cũng là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho xã hội. Hiện khu vực kinh tế này thu hút trên 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm.
Tại hội thảo với chủ đề "Bứt phá từ những động lực tăng trưởng" được tổ chức ngày 12/3 tại TPHCM, các chuyên gia cũng như các nhà hoạch định chính sách đều thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế, coi đây là động lực cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, trong quá trình phát triển, DN Nhà nước gần như chỉ đóng vai trò ngắn hạn, DN FDI cũng thế. Tương lai của kinh tế Việt Nam là phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, các cơ quan quản lý phải lưu ý những DN tư nhân lớn lên bất thường, phát triển đa ngành nghề, bởi nếu DN gặp “trục trặc” thì sẽ gây rủi ro lớn cho nền kinh tế.
Bàn về động lực phát triển của DN trong thời gian tới, các chuyên gia cũng như DN đều nhận định, thủ tục hành chính vẫn là một trong những trở ngại lớn, kìm hãm sự phát triển.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, mặc dù trong thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách thể chế, tinh gọn các thủ tục hành chính, nhưng, nhược điểm lớn nhất là cải cách không đồng bộ. Dù đã sửa hết luật này đến luật kia, nhưng nhiều khi vẫn chồng chéo, gây khó khăn cho DN, bởi cải cách của chúng ta từ kinh tế tập trung rồi cải biến dần, buộc thị trường tuân theo là không phù hợp. Theo TS. Trần Du Lịch, muốn cải cách thể chế và các thủ tục hành chính một cách đồng bộ thì phải cải cách, sửa đổi theo tư duy kinh tế thị trường.
Đi vào vấn đề cụ thể, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để DN tư nhân phát triển mạnh trong thời gian tới, hầu hết các lĩnh vực tư nhân có thể làm và nên để cho tư nhân làm, miễn là Nhà nước có chính sách rõ ràng. Một loạt các dịch vụ công có thể chuyển giao cho tư nhân như các dịch vụ hành chính, cấp chứng nhận hành nghề... Đó là công thức để cho tư nhân tham gia vào các dịch vụ công, hàng hoá công.
Ở mức cao hơn là đối tác công-tư. Đây là hướng phát triển quan trọng, trong đó, Nhà nước cùng với DN tư nhân sẽ hợp tác cùng phát triển, nhất là việc phát triển hạ tầng. Đây cũng là một kênh huy động nguồn lực cả về tài chính và trí tuệ toàn dân tham gia vào công cuộc phát triển.
Theo baochinhphu.vn