Người dân có thể sẽ chọn kênh vàng và ngoại tệ như một lựa chọn thay thế. Khi đó, rủi ro sẽ lại đến với thị trường vàng và ngoại hối, hai thị trường mà NHNN đã phải tốn rất nhiều công sức để bình ổn những năm qua.
Mới đây, sau khi Bộ Tài chính công bố dự thảo xin ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, đã có ý kiến đề xuất nên bổ sung thêm việc đánh thuế lãi tiết kiệm vào dự án luật sửa đổi. Ý kiến lần này đề xuất áp dụng mức thuế suất khoảng 5% đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân đối với số tiền lớn hơn 3 tỷ đồng trở lên.
Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi cho vay công ty, pháp nhân, cá nhân khác, hay được chia cổ tức, mới bị đánh thuế 5%, còn các khoản lãi do gửi tiết kiệm vẫn không phải chịu thuế.
Trao đổi với PV Infonet bên hành lang Quốc hội sáng 30/10, Đại biểu Quốc hội - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng không nên tận thu mọi thu nhập của dân, đặc biệt trong bối cảnh người dân chưa đặt trọn niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Ông Đỗ Văn Sinh cho rằng hiện nay tiền trong dân rất nhiều, nhưng người dân chỉ gửi kỳ hạn ngắn thay vì gửi kỳ hạn dài tại ngân hàng.
“Cơ cấu huy động hiện nay là ngắn hạn chứ dài hạn là rất ít. Điều đó nói lên rằng người dân chưa đặt trọn niềm tin vào hệ thống ngân hàng và nền kinh tế vĩ mô. Người dân không muốn cho vay dài hạn để có thể rút tiền ra khi có biến động”.
Ông Đỗ Văn Sinh tiếp tục: “Tại sao người ta không bỏ hết tiền vào ngân hàng mà vẫn đầu tư sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là bất động sản, mặc dù bất động sản có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với gửi ngân hàng”.
Do đó, nếu đánh thuế vào lãi tiết kiệm của người dân, sẽ không kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng, trong khi các ngân hàng đang muốn khơi dậy dòng vốn trong dân.
“Phải cân nhắc giữa hai việc thu được 5% từ lãi suất gửi tiết kiệm với việc người dân không gửi tiết kiệm nữa. Hiện nay toàn bộ tổng tài sản của ngân hàng có đến 90% là huy động tiền của dân. Điều quan trọng là phải để người dân tin thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng là người dân thấy được mức chênh lệch giữa lãi suất và mức lạm phát”.
Trước đó, bình luận về đề xuất này, bà Trần Hải Yến, Chuyên viên phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng hiện vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để đề xuất này được áp dụng ngay vào thực tiễn.
Lý do là bởi đây không phải nguồn thu lớn cho ngân sách, cái lợi thu được là rất nhỏ so với phản ứng của dư luận nói chung cũng như tác động tiêu cực nói riêng có thể gây ra đối với tâm lý của người gửi tiền.
“Đa phần những người chọn lựa kênh tiết kiệm hiện nay ưu tiên tính an toàn hơn là sinh lãi. Họ chấp nhận một mức lãi suất “vừa đủ” với kỳ vọng của họ thay vì rủi ro nên dù bị chịu thuế chưa chắc họ đã dịch chuyển sang các kênh kém an toàn hơn như chứng khoán, bất động sản...”
Kể cả trong trường hợp muốn dịch chuyển dòng tiền, bà Trần Hải Yến cho rằng người gửi tiền có thể cũng sẽ ưa thích kênh vàng và ngoại tệ hơn như một địa chỉ thay thế vì vẫn đảm bảo được sự an toàn cho đồng vốn. Khi đó, rủi ro sẽ lại đến với thị trường vàng và ngoại hối, hai thị trường mà NHNN đã phải tốn rất nhiều công sức để bình ổn những năm qua.
Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện nay, sức khỏe hệ thống ngân hàng mới chỉ ở mức ổn định chứ chưa đủ bền vững để có thể áp dụng ngay càng biện pháp tiềm ẩn rủi ro đối với thanh khoản hệ thống.
“Nếu không được giải thích thấu đáo, đề xuất áp thuế đối với tiền gửi ngân hàng có thể sẽ kích động tâm lý rút tiền hàng loạt của người dân. Khi đó thanh khoản hệ thống có thể sẽ bị tác động mạnh”, bà Trần Hải Yến nói.
Đánh thuế tiền gửi: Có thể phát sinh nhiều bất lợi cho nền kinh tế?
Theo Nguyên Tuân/ Infonet