• English

Tin thị trường

Danh mục dự án xanh

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn vừa ký ban hành Quyết định số 1663/QĐ-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 của Thống đốc NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

Theo Quyết định 1663/QĐ-NHNN: Phấn đấu đến năm 2025, ngày càng có nhiều TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, trong đó: 100% các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp tín dụng; Kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường.

Một trong những điểm sửa đổi rất đáng chú ý khác tại Quyết định 1663 là những yêu cầu đặt ra với chính cơ quan quản lý: Trên cơ sở quy định của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, xây dựng, ban hành hướng dẫn về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng, tạo cơ sở để các TCTD triển khai hiệu quả; Ban hành hướng dẫn xây dựng báo cáo về tín dụng xanh sau khi các báo cáo có liên quan của Chính phủ, các bộ ngành được ban hành. Nghiên cứu, xây dựng các tài liệu tham khảo cho các TCTD về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng tiệm cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, NHNN sẽ: “Định kỳ cập nhật danh mục dự án xanh”.

Có thể nói xây dựng và cập nhật danh mục dự án xanh là một trong những khúc mắc lớn nhất của các TCTD hiện nay trong triển khai cấp tín dụng xanh. Hầu hết các đơn vị khi cung ứng vốn tín dụng xanh đều căn cứ theo yêu cầu của tổ chức tài chính quốc tế đã tài trợ cho ngân hàng vốn tín dụng xanh và những quy định của chính ngân hàng đặt ra. Trả lời câu hỏi về danh mục tài chính xanh của BIDV hiện nay, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, triển khai Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Thống đốc NHNN, chúng tôi đã nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Quy định quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Ví dụ cụ thể hơn, ông Lâm cho biết, năm 2023 BIDV triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực xanh. Để được hưởng những ưu đãi của gói tín dụng này, khách hàng phải đáp ứng các tiêu chí chứng nhận Viet Gap, Viet GaHP, Global Gap, OCOP… Hay với gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng (3.000 tỷ đồng và 50 triệu USD) dành cho doanh nghiệp dệt may với các ưu đãi về lãi suất, chính sách tài sản đảm bảo và tỷ giá… bên vay vốn phải có các tiêu chuẩn/chứng chỉ bền vững quốc tế.

danh-muc-du-an-xanh

Ở quy mô quốc gia, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh và được cụ thể hoá tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, gọi tắt là danh mục phân loại xanh.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo phân loại xanh quy định chi tiết tiêu chí môi trường đối với 2 nhóm đối tượng, bao gồm: Các dự án đầu tư được xem xét cấp tín dụng xanh; Các dự án đầu tư được xem xét phát hành trái phiếu xanh. Chúng ta kỳ vọng một danh mục phân loại xanh được định nghĩa rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng sẽ trở thành công cụ kỹ thuật hữu ích cho các nhà đầu tư, tổ chức phát hành, nhà hoạch định chính sách trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Trở lại ngành Ngân hàng, theo Quyết định 1663, NHNN cũng sẽ xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ cho các TCTD để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh như: Xem xét ưu tiên nguồn vốn cho phát triển tín dụng xanh thông qua chính sách tái cấp vốn/tái chiết khấu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và mục tiêu lạm phát trong từng thời kỳ. Hỗ trợ các NHTM có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao trong việc tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển... bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng nghiên cứu triển khai một số giải pháp khuyến khích nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0 để xanh hóa hoạt động ngân hàng.

Khi có chính sách, cơ chế rõ ràng, cụ thể với sự định hướng, quyết liệt trong chỉ đạo của NHNN và sự vào cuộc tích cực của các TCTD, chúng ta cùng hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Theo thoibaonganhang.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank