• English

Tin thị trường

Đã phê duyệt phương án tái cơ cấu 3/4 ngân hàng thương mại Nhà nước, 9/10 ngân hàng liên doanh và nước ngoài

Đại diện NHNN cho biết đã có văn bản phê duyệt phương án cơ cấu lại của hầu hết các ngân hàng. Riêng nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính vẫn đang xây dựng phương án.

Tham luận tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng với chủ đề Ngân hàng 2018: Hướng tới Phát triển bền vững sáng ngày 8/5 tại Hà Nội, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát  Ngân hàng Nhà nước đã có tham luận nhìn lại quá trình tái cơ cấu ngân hàng, những khó khăn, thách thức và giải pháp trong thời gian tới.

Tham luận cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được triển khai theo Quyết định số 254/QĐ-TTg và Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như: sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và từng bước cải thiện, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát; năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD từng bước cải thiện; số lượng các TCTD có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém giảm dần; sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước quan trọng; khung pháp lý về tiền tệ và ngân hàng được tập trung hoàn thiện, hình thành đồng bộ hơn các chuẩn mực, thiết chế an toàn; nợ xấu tiếp tục được kiểm soát hiệu quả và duy trì ở mức dưới 3%…

Trên cơ sở tổng kết bài học kinh nghiệm và kế thừa kết quả quá trình triển khai cơ cấu lại giai đoạn 2011-2015, trong năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020". Đồng thời, NHNN đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

Sự ra đời của những văn bản quan trọng này đã tạo thêm cơ sở pháp lý vững chắc, tạo điều kiện cho ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về thanh tra, giám sát, cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống các TCTD, nâng cao trật tự, kỷ cương và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Tái cơ cấu giai đoạn 2 bước đầu có kết quả tich cực

Trên cơ sở đó, đến nay, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng sau gần 1 năm triển khai Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đã đạt được nhiều kết quả cơ bản. Trong đó điển hình là: (i) các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD. Đến nay, NHNN đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của 03/4 NHTMNN;

(ii) Các NHTM Cổ phần tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh;

 (iii) Các TCTD nước ngoài được NHNN tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát, đảm bảo hoạt động an toàn, đúng pháp luật. Đến nay, NHNN đã có văn bản phê duyệt Phương án cơ cấu lại của 09/10 ngân hàng nước ngoài và liên doanh;

(iv) Các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính tích cực xây dựng các phương án cơ cấu lại theo các giải pháp của Đề án 1058 để nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh và phù hợp với đặc thù hoạt động của loại hình TCTD phi ngân hàng; (v)hệ thống QTDND tiếp tục được tăng cường, củng cố, chấn chỉnh, về cơ bản hoạt động lành mạnh, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ đề ra;

 (vi) Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự nỗ lực, chủ động của các TCTD trong kiềm chế và xử lý nợ xấu, đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 42, (tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các TCTD tại thời điểm cuối năm 2017 đã giảm so với  mức 2,46%  cuối năm 2016).

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:

 

Thứ nhất là khó khăn, vướng mắc của TCTD về: (1) thu giữ tài sản do khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản; một số cơ quan chức năng (UBND, cơ quan công an,…) chưa phối hợp, tham gia hỗ trợ một cách tích cực để giải quyết khó khăn cho TCTD; (2) điều kiện tài sản đảm bảo được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, trong khi hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp là khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

Thứ hai là khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước về cả mặt pháp lý và thực tiễn triển khai. Để nâng cao năng lực tài chính cho các NHTMNN, vấn đề cơ bản đặt ra là phải tăng vốn cho các ngân hàng này thông qua một số hình thức như: bán cổ phần cho nhà đầu tư (trong nước, ngoài nước) và sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn. 

Tuy nhiên, hiện nay các NHTMNN chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi đó, tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước. Việc tăng vốn điều lệ để cải thiện, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cơ cấu lại NHTM Nhà nước đề ra tại Quyết định 1058; trong đó yêu cầu đặt ra là giữ vững nguyên tắc bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước tại các NHTMNN.

Thứ ba là việc một số Bộ, Ngành chậm hoặc chưa thực hiện xong việc ban hành chương trình/kế hoạch hành động cụ thể triển khai Đề án 1058; bên cạnh đó, mặc dù về cơ bản, quá trình triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tuy nhiên tại một số nơi Cơ quan công an, UBND tỉnh, thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể (tới UBND, cơ quan công an cấp huyện, xã) nên còn vướng trong công tác phối hợp xử lý.

Diệp Trần - Ngọc Toàn

Theo Trí thức trẻ


Đăng ký nhận tin
KienlongBank