Cuối tuần qua, lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra một hội thảo trong lĩnh vực NH và công nghệ tài chính (Fintech) dành riêng cho nữ lãnh đạo, sự kiện do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Công đoàn Ngân hàng Nhà nước TW tổ chức.
Với chủ đề “Nữ lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và công nghệ tài chính”, hội thảo diễn ra nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, là nơi chia sẻ kinh nghiệm cũng như những cơ hội, thách thức trong lĩnh vực tài chính, NH, công nghệ thanh toán điện tử… tại các nước trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam. Từ đó, giúp phụ nữ trong lĩnh vực NH nắm bắt và nâng cao kiến thức mới trong thời đại công nghệ đang phát triển, áp dụng trong công việc quản lý của NHNN cũng như điều hành hoạt động các TCTD Việt Nam. Thời báo Ngân hàng trích một số ý kiến đóng góp tại hội thảo.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành NH
Ngành NH luôn tạo điều kiện để phụ nữ phát triển
NH là ngành kinh tế có số lao động nữ chiếm tỷ lệ cao trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, vào khoảng 60%. Tỷ lệ chị em nắm giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo cũng ngày càng gia tăng cả ở NHTW và các NHTM. Điều đó nói lên rằng, phụ nữ hiện nay cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và vận hành hệ thống NH.
Nhận thức được điều này, ngành NH luôn dành ưu tiên cho mục tiêu phát triển phụ nữ, công tác cán bộ nữ; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy khả năng, trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển của Ngành. Trong đó, việc liên tục cập nhật kiến thức, nâng cao hiểu biết và trình độ cho nữ giới về diễn biến và xu hướng phát triển mới trong Ngành, tạo cơ hội tăng cường kết nối và hội nhập cho cán bộ nữ ngày càng được chú trọng.
Với ngành NH, xu thế tất yếu của thế giới là cần ứng dụng công nghệ vào mọi mặt hoạt động. Xu hướng này càng trở nên rõ rệt trên thế giới, nhất là với sự ra đời và bùng nổ của Fintech trong thời gian gần đây. Khi hoạt động NH thay đổi, đòi hỏi bất kỳ cán bộ làm công tác quản lý tiền tệ, hoạt động NH hay với các cán bộ làm công tác NH cũng phải có tư duy đổi mới, đón bắt để định hình hướng đi cho mình.
Với nam giới, việc tiếp cận hiểu biết công nghệ tài chính đã khó, đối với phụ nữ chắc chắn còn khó hơn. Vì ngoài việc chuyên môn, phụ nữ còn phải dành nhiều thời gian cho thiên chức của gia đình. Song, khi tri thức của phụ nữ được nâng cao sẽ là điều cốt lõi giúp phụ nữ đạt được nhiều sự tiến bộ khác trong công tác cũng như cuộc sống.
Bà Kristy Ducan, Sáng lập viên, Tổng giám đốc Tổ chức Women in Payment
Đa dạng về giới giảm lệch lạc trong quyết định
Việc thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường tài chính - ngân hàng, hay thanh toán có ý nghĩa quan trọng. Tôi rất đồng tình với quan điểm của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cần phải có sự đa dạng về giới trong bất cứ lĩnh vực nào. Nhờ đó, chúng ta giảm bớt sự lệch lạc trong các quyết định, mang lại nhiều sản phẩm tốt hơn cho khách hàng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Với khả năng kiểm đếm rủi ro, thấu hiểu cảm nghĩ người khác, thậm chí lường trước được kỳ vọng khách hàng… lãnh đạo nữ có khả năng xây dựng chính sách tốt, đa dạng hơn cho khách hàng; giúp họ có trải nghiệm tốt hơn; vừa giữ chân được người lao động gắn bó với công việc.
Một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính Anh với chủ đề Nâng cao năng suất, khai thác tài năng của phụ nữ trong ngành dịch vụ tài chính có 3 khuyến nghị mà tôi thấy rất quan trọng, tác động sâu sắc đối với sự đa dạng giới nói chung, vai trò phụ nữ nói riêng.
Thứ nhất, đó là tất cả những dịch vụ tài chính ở Anh phải xác định và công bố chiến lược bình đẳng giới với mục tiêu cụ thể, được công bố công khai; đánh giá tiến độ thực hiện bình đẳng giới thường xuyên hàng năm. Thứ hai, đề cao trách nhiệm giải trình của lãnh đạo về thiết kế chiến lược, tiến độ thực hiện và khả năng thành công của chiến lược này. Thứ ba, trách nhiệm được giao theo hàng dọc.
Có thể nói, sự đa dạng về giới sẽ thúc đẩy cơ hội khai thác tài năng của phụ nữ. Nhờ đó nâng cao tính cạnh tranh, đổi mới và đem lại kết quả tài chính trong lĩnh vực NH...
Bà Nguyễn Thuận Thái, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinawealth
Cần hệ thống hỗ trợ để phụ nữ phát huy tài năng
Ở một số nước đang phát triển, số lượng phụ nữ làm kinh doanh đang tăng. Theo thống kê ở khu vực châu Á, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo DN chiếm tới 40%, chỉ sau Singapore. Đây là con số khá ấn tượng, cho thấy phụ nữ Việt Nam có được vị thế khá cao trong hoạt động kinh doanh khi so sánh với các nước ở khu vực, thậm chí cả toàn cầu.
Tuy nhiên trong lĩnh vực NH, số phụ nữ làm lãnh đạo ở vị trí cao nhất còn hạn chế. Như ở Việt Nam có tới 20% phụ nữ giữ vị trí Tổng giám đốc, nhưng chỉ có 7% giữ vị trí trong HĐQT. Những “rào cản” khiến phụ nữ Việt Nam ít người làm lãnh đạo cao nhất là do vai trò người phụ nữ được kỳ vọng quá lớn và phải làm nhiều việc. Bản thân họ phải tìm được sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Trong khi môi trường làm việc không được hỗ trợ nhiều, ít công ty có trách nhiệm rõ ràng hỗ trợ phụ nữ.
Bên cạnh đó còn có một khoảng trống tham vọng giữa nam và nữ, khi nhiều phụ nữ cho rằng họ không có khả năng lãnh đạo nên không muốn phấn đấu nữa. Thậm chí là có nhận thức tiêu cực về những người phụ nữ thành công.
Để phụ nữ Việt Nam thành công hơn, nhất là trong lĩnh vực NH, theo tôi cần có người dìu dắt, cố vấn thích hợp. Hệ thống mạng lưới hỗ trợ và những hình mẫu lãnh đạo phù hợp sẽ tác động tích cực, phát huy được tài năng lãnh đạo của người phụ nữ Việt Nam. Các chính sách rõ ràng hỗ trợ sự tham gia và đóng góp từ phụ nữ sẽ tác động đến nhiệt huyết muốn tham gia hành trình nghề nghiệp của họ. Tôi đánh giá rất cao ý tưởng tổ chức hội thảo của NHNN. Sự khởi động này chắc chắn có tác động lan toả không chỉ đối với phụ nữ ngành NH mà cả phụ nữ Việt Nam nói chung.
Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Napas
Vai trò phụ nữ với Fintech ngày càng cao
Thách thức đối với cán bộ nữ Việt Nam là công việc nội trợ chiếm mất nhiều thời gian. Lĩnh vực NH tiếp xúc hàng ngày với công nghệ cũng là lĩnh vực đòi hỏi phải liên tục đổi mới sáng tạo, nên phụ nữ gặp rất nhiều áp lực, mất nhiều công sức hoàn thành nhiệm vụ. Hoạt động Fintech đòi hỏi 24/7, nên gần như các công việc đều phải làm ngoài giờ. Chưa kể áp lực công việc, các vấn đề khác là sức khoẻ, tuổi tác…
Như vậy, liệu phụ nữ có thích hợp với Fintech hay công nghệ đặc biệt ở trong NH hay không? Câu trả lời của tôi là rất phù hợp. Đó là đúc rút kinh nghiệm của tôi sau nhiều năm làm việc với chị em. Cùng gặp khó khăn, cản trở như nhau nhưng phụ nữ rất bền bỉ, cố gắng đạt mục tiêu của mình.
Đặc biệt, trong hoạt động cung cấp dịch vụ Fintech luôn lấy khách hàng là trọng tâm, nên chính sự tinh tế của phụ nữ giúp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Nhất là dịch vụ NH không được để sai sót, đòi hỏi chính xác tuyệt đối, rất cần sự cẩn trọng của chị em. Hay đối với dịch vụ NH phải có lòng tin rất cao. Chính sự cam kết, làm việc rất trách nhiệm của phụ nữ đã củng cố sự tin cậy của khách hàng đối với NH...
Thực tế tại NAPAS có tới 50% lao động là phụ nữ. Nhưng tất cả các năm vừa qua, năm nào công ty chúng tôi cũng đưa ra thị trường những sản phẩm dịch vụ mới, công nghệ cao tiếp cận tiến bộ trên thế giới. Có thể minh chứng khi hầu hết dịch vụ phát triển trên thế giới đều đang ứng dụng ở Việt Nam. Điều này khẳng định vai trò phụ nữ đối với công nghệ Fintech ngày càng được nâng cao.
Ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối dịch vụ NH công nghệ số VPbank
Fintech truyền tải dịch vụ NH đến khách hàng
Trong công cuộc đổi mới, chúng tôi nhận thấy số hoá các hành trình trải nghiệm của khách hàng là điều vô cùng cần thiết, đóng vai trò quan trọng không kém so với việc lưu hoá các quy trình... Hợp tác phát triển với Fintech là một trong ba chiến lược được VPBank tập trung đẩy mạnh.
Ở các công ty Fintech, các sản phẩm và dịch vụ truyền thống của NH có thể truyền tải được qua công nghệ đến với khách hàng. Từ đó, phát triển mạng lưới khách hàng của NH một cách nhanh chóng. Trong đó, chúng tôi cũng có một số nguyên tắc rõ ràng. Trước hết phải đặt khách hàng là trọng tâm. Thực tế, có một lượng khách hàng trẻ họ biết đến điện thoại di động, mạng xã hội, internet nhiều hơn là NH. Ở một mức độ nào đó, họ chỉ cần dịch vụ NH mà không cần, thậm chí hoàn toàn từ chối đến giao dịch tại NH. Nhưng ngược lại có thể dành thời gian rất nhiều trên mạng xã hội.
Để phục vụ và tiếp cận với đối tượng khách hàng này cũng là một trong những việc rất quan trọng để có thể chiếm lĩnh thị trường ở Việt Nam. Tối giản và liên tục cải thiện từ việc thiết kế, quy trình dịch vụ; Linh hoạt và bổ trợ thế mạnh lẫn nhau cũng là điều vô cùng quan trọng.