“Đồng hành nghĩa là cùng đi, cùng bước”
Phát biểu mở đầu cho diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị đại hội với nhiều đổi mới và bày tỏ niềm tin với truyền thống vẻ vang của CĐVN, với tinh thần đoàn kết, đề cao trách nhiệm của đại biểu, đồng thời phát huy dân chủ cùng với việc điều hành khoa học, chặt chẽ của Đoàn Chủ tịch, Đại hội XII CĐVN sẽ thành công tốt đẹp.
Trước khi nêu các vấn đề để cùng trao đổi, thảo luận, Thủ tướng nhắc lại câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” và “đồng hành nghĩa là cùng đi, cùng bước”. Các vấn đề Thủ tướng nêu lên gồm: Nhận xét về công tác điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, cụ thể là từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Hiến kế gì cho Chính phủ để công tác điều hành đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới; đánh giá về nhóm các nhân tố về thể chế kinh tế và thực thi thể chế kinh tế ở nước ta trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nhìn nhận về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ góc độ người lao động (NLĐ); việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và công tác hiện nay như thế nào? Cần có đột phá gì? Vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay như thế nào?
Đối với vấn đề CĐ tham gia vào nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, Thủ tướng đề nghị trao đổi vào các nội dung cụ thể: CĐ đã tham gia tuyên truyền, vận động NLĐ nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác như thế nào; CĐ đã phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước như thế nào trong thời gian qua; CĐ đã tham gia cùng doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ra sao; CĐ đã thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền lợi NLĐ như thế nào để họ yên tâm làm việc, công tác, đóng góp cho cơ quan, doanh nghiệp? Ngay sau Đại hội XII, CĐ sẽ làm gì để tiếp tục đồng hành có hiệu quả với Chính phủ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước?
Trao đổi trực tiếp tại diễn đàn, các đại biểu trong đó có những đại biểu là CNLĐ trực tiếp nêu nhiều ý kiến liên quan đến năng suất lao động như đào tạo, nguồn nhân lực; thiết chế CĐ. Đại biểu Phạm Công Kha - CNLĐ thuộc tỉnh Vĩnh Phúc - đặt câu hỏi trong thời đại 4.0, tốc độ thông tin phát triển rất nhanh, có nhiều mặt tốt cũng như mặt xấu, Chính phủ sẽ có giải pháp gì để NLĐ yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ? Đại biểu Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐ Công Thương VN - kiến nghị Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động của tổ chức CĐ, thông qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân nói riêng và đất nước nói chung, duy trì sự ổn định chính trị. Chính phủ có thể tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức CĐ động viên, hỗ trợ NLĐ học tập, nâng cao trình độ; quan tâm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và nguy cơ bất ổn xã hội thông qua xây dựng và triển khai cơ chế phân phối thu nhập bình đẳng hơn cho NLĐ, đầu tư nhiều hơn cho các hạ tầng xã hội, nhất là nhà ở, trường học và bệnh viện tại các khu vực tập trung đông CNLĐ; hỗ trợ tổ chức CĐ xây dựng các thiết chế CĐ để cùng với Chính phủ giải quyết các nhu cầu bức thiết của NLĐ.
Đại biểu Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế - kiến nghị Đảng và Nhà nước cần có số liệu, tuyên truyền, định hướng để NLĐ chuẩn bị kỹ năng tay nghề, tạo ra sản phẩm chất lượng cao; tạo ý thức chuyên nghiệp cho NLĐ, tác phong công nghiệp; thoả ước lao động tập thể cần đưa vào là phải cân bằng lợi ích vật chất giữa NLĐ và DN để tạo động lực cho NLĐ phấn đấu. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Thủ tướng đề nghị Chính phủ có những chính sách quan tâm hơn nữa để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, góp phần giải phóng cho giai cấp công nhân, từ đó để tăng năng suất lao động.
Trước các ý kiến trên, các thành viên Chính phủ đã trả lời và trao đổi các vấn đề về an ninh mạng, đào tạo nghề, cách mạng 4.0, trong đó có các yếu tố liên quan đến năng suất lao động, chuyển dịch lao động, tiền lương, BHXH. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phải có sự chỉ đạo từ Chính phủ; DN phải tham gia đào tạo không chỉ cho mình mà cho mọi người; quan trọng nhất là NLĐ, từ lao động giản đơn đến trí thức đều phải đề cao chữ “học”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao đổi về tiền lương, tiền lương tối thiểu, cải tiến số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Về vấn đề quản lý mạng xã hội, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT - cho rằng. không gian mạng như một môi trường, nếu thông tin tốt và nhiều thì tỉ lệ thông tin xấu sẽ nhỏ đi. CĐ cần chủ động đưa thông tin chính thống, nên chăng mỗi CĐ KCN cần có một fanpage để đưa thông tin chính thức của CĐ. Về vấn đề nhà ở cho công nhân KCX-KCN, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, giai đoạn 2016-2020, UBND TP.Hà Nội đã và đang phối hợp với tổ chức CĐ để xây dựng nhà ở cho công nhân theo kế hoạch do Thủ tướng phê duyệt; cố gắng cuối năm 2018 khởi công Khu thiết chế CĐ ở KCN Quốc Oai và KCN công nghệ cao Láng, Hoà Lạc.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cung cấp thông tin, hiện nay Việt Nam có 55,2 triệu lao động, trong đó lực lượng công nhân trên 14 triệu người. Do chủ DN chưa chú trọng sử dụng NLĐ qua đào tạo vì áp lực về tiền lương, có nhiều DN chưa thích ứng công nghệ mới dẫn đến tổng thể năng suất lao động còn thấp. Theo nhận định của Bộ LĐTBXH, sẽ có những ngành bị ảnh hưởng lớn như dệt may, giày da, xây dựng, lắp ráp điện tử, do đó trong thời gian tới phải tập trung đào tạo nghề, chuyển đổi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức CĐ cần phối hợp để nâng cao vai trò chủ thể của NLĐ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các đại biểu tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Các bộ, ngành cùng chính quyền phải có trách nhiệm chăm lo CNLĐ
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, bám sát chủ đề, với nhiều hiến kế rất có ý nghĩa của các đại biểu, Thủ tướng cho hay những ý kiến này sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng, tiếp thu tối đa, đầy đủ, phục vụ nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành nền kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng mong muốn, đề nghị CNVCLĐ cả nước mỗi người một tay, góp sức chung tạo thành sức mạnh cả dân tộc tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Những điều mà Thủ tướng mong muốn NLĐ làm được là thường xuyên học tập; đổi mới tư duy, nhận thức; nâng cao ý thức kỷ luật lao động; trân trọng và tự hào về kết quả công việc hay sản phẩm mà mình góp phần tạo nên; coi trọng phương thức làm việc theo nhóm và xây dựng tập thể đoàn kết; phải luôn đổi mới, sáng tạo; nghiêm khắc đấu tranh với căn bệnh bảo thủ, trì trệ, quan liêu, sách nhiễu, vô cảm, vô trách nhiệm trong chính bản thân và đồng nghiệp của mình; Người CBCCVC phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật.
Đối với CĐVN, để tập hợp, tổ chức, vận động được đông đảo CNVCLĐ cả nước tham gia vào nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này một cách thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị CĐVN tiếp tục đổi mới tổ chức và có bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ. Cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, về nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ, về công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ, về xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu mới.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cùng chính quyền các cấp tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với CĐVN, hỗ trợ CĐ trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, hỗ trợ đất đai, tài chính xây dựng các thiết chế CĐ. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải thống nhất nhận thức, CNLĐ ngày đêm làm việc đóng góp xây dựng đất nước ở từng địa phương, thì chúng ta mà trực tiếp là các địa phương phải có trách nhiệm chăm lo đời sống, đảm bảo an toàn cho họ. Khi chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức CĐ chăm lo, bảo vệ tốt nhất NLĐ, đó chính là cách chúng ta huy động được cao nhất tài năng, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của NLĐ đóng góp cho sự nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Thủ tướng nhấn mạnh gần 950 đại biểu chính thức của Đại hội XII CĐVN dự diễn đàn dù đã phát biểu hay chưa có cơ hội phát biểu do thời gian có hạn, nhưng tin tưởng tất cả các đại biểu đều trăn trở, có cùng suy nghĩ. “Các đồng chí phải là những hạt nhân nòng cốt của tổ chức CĐVN trong việc truyền cảm hứng cho CNVCLĐ cả nước tích cực, nhiệt tình phát động và tham gia chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Tôi kỳ vọng là từ diễn đàn của đại hội, chủ đề mà chúng ta thảo luận hôm nay tiếp tục được thấm sâu, lan tỏa mạnh trong các cấp CĐ, đến từng đoàn viên, CNLĐ, để mỗi người tiếp tục nâng cao nhận thức, biến thành quyết tâm hành động. Diễn đàn hôm nay là một dấu mốc quan trọng, như một cú hích, khơi dậy trách nhiệm và niềm tự hào cho mỗi đoàn viên, NLĐ khi được đóng góp sức mình vào một nhiệm vụ lớn của quốc gia. Tôi đặt niềm tin tuyệt đối ở tổ chức CĐ, ở giai cấp công nhân Việt Nam giàu truyền thống tiến công và cách mạng” - Thủ tướng khẳng định.
Diễn đàn diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tham dự diễn đàn có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Cùng dự có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, LĐTBXH, KHĐT, VCCI, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số chuyên gia, nhà khoa học.
* Để NLĐ có việc làm bền vững, vai trò của CĐ cũng rất lớn. Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, CĐ cần phải nghiên cứu, đưa ra mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ để tham gia thảo luận tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia; từ đó để đạt mục tiêu năm 2020, lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu. Đồng thời, CĐ cần có sự hỗ trợ NLĐ trong việc ký kết HĐLĐ cá nhân của NLĐ với chủ sử dụng lao động để NLĐ giảm thiệt thòi trong mối quan hệ yếu thế; cần công bố tiền lương bình quân của từng ngành nghề để NLĐ nắm được, so sánh. CĐ cũng cần xem tiền lương là trọng điểm để hỗ trợ NLĐ trong việc ký kết TƯLĐTT; tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, từ đó tạo niềm tin của NLĐ vào tổ chức CĐ, đồng hành nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
* Tại diễn đàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường bày tỏ cảm ơn Thủ tướng và các đồng chí Phó Thủ tướng, đồng chí Trương Thị Mai, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã gợi mở những vấn đề có tầm chiến lược cao, để các đại biểu tham dự đại hội và tổ chức CĐ đặt ra mục tiêu hành động trong thời gian tới; để đưa vào chương trình, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới, góp phần đưa đất nước phát triển. “CĐVN xin hứa sẽ đoàn kết đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” - Chủ tịch Bùi Văn Cường khẳng định.