Ngày 28/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo công bố sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng nhằm chuyển đổi nhận thức về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng chủ trì Họp báo
Tạo hiệu ứng lan tỏa cho chuyển đổi số
Để đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, ngày 11/5 được chọn là “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng”. Được sự đồng ý của Ban Lãnh đạo NHNN, sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng năm nay dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 3/8/2022 tại Trụ sở NHNN Việt Nam, 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Nêu lý do chọn ngày 11/5 là “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Hòa chia sẻ, đây là ngày Thống đốc NHNN, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng ký ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định 810/QĐ-NHNN).
Việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng có thể xem là cột mốc đánh dấu rõ ràng nhất về kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, có ý nghĩa quan trọng giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành Ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, tháng 5 cũng là tháng có nhiều sự kiện như thành lập ngành Ngân hàng (6/5) và các hoạt động chuyển đổi số, do đó, việc lựa chọn ngày này sẽ giúp cho việc tổ chức các hoạt động được thuận lợi và tạo hiệu ứng lan tỏa.
Tại sự kiện, NHNN sẽ vinh dự được đón Lãnh đạo Chính phủ tham dự. Ngoài ra, còn có các cơ quan Trung ương, các bộ, ban, ngành, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán…
Sự kiện bao gồm các hoạt động hội thảo khoa học với chủ đề: “Tăng cường kết nối, thúc đẩy Chuyển đổi số ngân hàng”; triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng với 13 gian hàng của Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, 08 đơn vị thuộc khối ngân hàng thương mại cổ phần (TPBank, Techcombank, VIBank, MBBank, ACB, KienLongBank, NamABank; HDBank); 01 đơn vị thuộc khối công ty trung gian thanh toán là VNPay nhằm giới thiệu các công nghệ, dịch vụ tiêu biểu, như: dịch vụ ngân hàng trực tuyến; máy giao dịch ngân hàng tự động STM, chi nhánh ngân hàng 4.0, các dịch vụ thanh toán hiện đại như thanh toán QR code, Tap to pay, Livebank, thanh toán phi tiếp xúc..
Toàn cảnh Họp báo
Chuyển đổi số là cấp thiết
Bàn về quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng trong thời gian qua, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng chia sẻ, tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Tài chính - Ngân hàng được xác định là một trong 08 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao.
Nhận thức được tầm quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành Ngân hàng, NHNN đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách, kế hoạch lớn mang tính chất định hướng, tận dụng cơ hội, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng; đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số ngành Ngân hàng do Thống đốc NHNN làm Trưởng ban, 02 Phó Thống đốc làm Phó Trưởng ban và thành viên là người đứng đầu các Vụ, Cục chức năng NHNN và một số ngân hàng thương mại lớn.
Chia sẻ về quá trình triển khai, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thanh toán cho biết, nhiều ngân hàng đã xem chuyển đổi số và việc phát triển ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Các ngân hàng đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số, trong đó nhóm 10 ngân hàng top đầu của ngành Ngân hàng đã chi đầu tư 15.000 tỷ đồng mỗi năm cho chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, không ít ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.
Nhờ đó, dịch vụ thanh toán điện tử là lĩnh vực có tốc độ số hóa và tăng trưởng nhanh nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%.
Đáng chú ý, lượng giao dịch qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021). Tính đến cuối tháng 6/2022 có 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC).
Trong khi đó, theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.
Đáng chú ý, để đạt được các mục tiêu theo Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), ngành Ngân hàng đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học ngân hàng cho biết, NHNN đã kết nối thành công kỹ thuật với các Dịch vụ công quốc gia để khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu phòng chống rửa tiền…; một số ngân hàng đã ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số dịch vụ và từ đầu năm 2022 đã có ngân hàng nâng cấp công nghệ này...
Thời gian tới, nhằm thực hiện đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, ông Lê Anh Dũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục kiên trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, giao dịch số của người dân, doanh nghiệp, ngân hàng...;
Tiếp tục triển khai các Đề án theo quyết định được Chính phủ ban hành như Đề án 1813 về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng..., đề ra các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng các sản phẩm số, nâng cấp tiện ích dịch vụ để đảm bảo chất lượng phục vụ; đảm bảo năng lực xử lý các giao dịch số 24/7, đảm bảo hoạt động liên tục, phòng ngừa các rủi ro với hạ tầng...
"Chuyển đổi số ngân hàng phải bắt đầu từ các cấp lãnh đạo gương mẫu, đi đầu để truyền cảm hứng cho các bộ phận cấp trung và toàn bộ nhân viên để tạo sức mạnh tổng hợp.
Mục tiêu của chuyển đổi số ngành Ngân hàng luôn đặt khách hàng làm trung tâm để có những biện pháp chuyển đổi phù hợp vì mỗi tổ chức tín dụng đều là những thực thể khác nhau, chiến lược, cách tiếp cận và năng lực tài chính, công nghệ khác nhau.
Để chuyển đổi số thành công tùy thuộc vào sự dấn thân, dám vào cuộc, dám thay đổi của các tổ chức tín dụng để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho người dân", ông Lê Anh Dũng khẳng định.
Về công nghệ - thông tin, ông Đoàn Thanh Hải cho biết, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ công an để góp ý, hoàn thiện các văn bản pháp lý về xác thực định danh điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự thảo Thông tư hướng dẫn kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp tục triển khai thí điểm kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sửa đổi một số văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại các dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử như cho vay…
Theo thoibaonganhang.vn