Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), vẫn còn nhiều dư địa cho đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đây cũng là nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo “Giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng”, do CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (Giz) tổ chức ngày 24/10.
Sử dụng hiệu quả nguồn lực từ DNNN
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế muốn đạt 6,7% GDP, cần phải có những đánh giá tổng thể, nhìn nhận lại nguyên nhân tăng trưởng thời gian qua là do đâu và đưa ra các giải pháp đồng bộ, từ chính sách tài khóa, chính sách về tỷ giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cũng như các giải pháp nhằm giảm chi phí cho DN.
Để thúc đẩy tăng trưởng, theo ông Nguyễn Đình Cung, cần nâng cao hiệu quả của DNNN cũng như DN tư nhân trong nước. “Đây là dư địa lớn để tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN. DNNN còn có yếu kém trong quản lý, cần chú ý nhiều hơn các chỉ số và Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu, phải đặt ra các chỉ tiêu để quản lý hiệu quả hoạt động của các DN này. Trên cơ sở báo cáo kiểm toán, đặt yêu cầu để các DNNN cải thiện chỉ số hiệu quả tài chính, để tạo áp lực, trách nhiệm và động lực cho các DNNN cải thiện hiệu quả sử dụng vốn”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Phát biểu ngắn gọn, nhưng đi vào thực chất và không né tránh vấn đề, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, sau cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN, đã thu gọn được số DNNN xuống còn 583 DN (năm 2016); góp phần thúc đẩy và phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán; thúc đẩy thay đổi quản trị DN và nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất về kết quả sản xuất kinh doanh của 583 DNNN trong năm 2016 cho thấy, tổng tài sản của các DN là hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015. Lợi nhuận trước thuế của các DN đạt hơn 139,6 nghìn tỷ đồng... Những con số này, theo ông Đặng Quyết Tiến các chỉ tiêu đều giảm so với năm trước đó.
Có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa chưa đáp ứng nhu cầu đề ra, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, thời gian tới sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, trong đó có những bước đột phá, như: Xác định giá trị DN có thể mời tư vấn nước ngoài vào cuộc; thay đổi cái nhìn về bán vốn khi có thể không cần đến cổ động chiến lược (chỉ một số ngành mới cần)… Theo ông Đặng Quyết Tiến, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện niêm yết các DN đã cổ phần hóa, đồng thời tăng cường hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, giám sát quá trình cổ phần hóa; tiếp tục giảm bớt DNNN; đưa ra các giải pháp về nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực thu về.
Cần tiếp tục giảm chi phí cho DN
Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước (NSNN); chính sách tỷ giá; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo thể chế để đặc khu kinh tế trở thành động lực tăng trưởng…, cũng được các chuyên gia kinh tế đề cập.
Theo TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, chi NSNN đặt ra nhiều thách thức khi bội chi ngân sách cao, nợ công đang tiến sát trần, những khó khăn trong giảm quy mô và điều chỉnh cơ cấu chi thường xuyên… Những năm gần đây, quy mô thu NSNN giảm nhanh so với chi ngân sách. Tốc độ tăng trung bình trong 10 năm qua cho thấy chi ngân sách là 17,4%, chi thường xuyên là 18,3%, nhưng thu NSNN chỉ đạt 15%. Trong khi chi thường xuyên liên tục tăng nhanh, thì chi đầu tư lại giảm. Tốc độ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển giai đoạn 2012 - 2016 chỉ đạt 6,5% năm, thấp hơn nhiều tỷ lệ 17 - 18% mỗi năm (giai đoạn 2007 - 2011) và thấp hơn nhiều tốc độ tăng chi thường xuyên (đạt trung bình 14% giai đoạn 2012 - 2016).
Ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, thời gian tới, cần phải gắn kết tốt hơn giữa chi tiêu công và mục tiêu đạt được, giảm chi thường xuyên, đồng thời tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về chi tiêu công ở các cấp, nhất là ở địa phương để thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa.
Liên quan đến các chính sách về tỷ giá có tác động đến DN và nền kinh tế, TS. Phạm Thế Anh (trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, chính sách tỷ giá của Việt Nam vẫn đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa các mục tiêu về phòng chống lạm phát với thúc đẩy thương mại quốc tế. Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây đã có những thành công nhất định trong việc ổn định thị trường ngoại hối, hạn chế hiện tượng đô la hóa và “nhập khẩu” lạm phát. Tuy nhiên, theo ông Phạm Thế Anh, thời gian tới cần chuẩn bị lộ trình cho một cơ chế tỷ giá mới, thả nổi có quản lý với những đặc điểm, như: Chính sách tiền tệ lấy kiểm soát lạm phát là mục tiêu cao nhất; hiện đại hóa và tăng thanh khoản của thị trường ngoại hối; dần dần từ bỏ tỷ giá trung tâm, tỷ giá được xác lập bởi cung cầu ngoại tệ trên thị trường…
Về các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bỏ ít nhất 1/3 đến ½ số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất ½ số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu; thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước.
Đồng thời, cần tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho DN, trong đó, cần giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí hậu cần; tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “mỗi năm DN chịu kiểm tra không quá 1 lần” và thay đổi thái độ, mục tiêu kiểm tra theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn và giúp đỡ DN tuân thủ đúng pháp luật thay vì chủ yếu để xử phạt DN.