• English

Tin thị trường

Cơ hội vượt qua thách thức để phát triển

Trong bối cảnh Mỹ từ bỏ chiến lược “xoay trục”, rút khỏi Hiệp định TPP; xu hướng bảo hội thương mại, dân túy và chủ nghĩa cực đoan gia tăng…thì Hội nghị Tương lai châu Á năm nay lại cho thấy sự kiên định của khu vực nhằm khẳng định toàn cầu hóa là một xu thế không thể đảo ngược...

Với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á”, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, do Tập đoàn truyền thông Nikkei Inc tổ chức trong hai ngày 5- 6/6 đã tập trung thảo luận về các xu thế, yếu tố ảnh hưởng lớn tới tương lai của châu Á như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tuý, quan hệ giữa các nước lớn và thay đổi trật tự thế giới, sự phát triển của ASEAN, Trung Quốc và khu vực Nam Á, tình hình an ninh của châu Á.

Tham dự hội nghị có nhiều nhà lãnh đạo chính phủ các nước, trong đó có Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, cùng nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn, các chuyên gia hàng đầu khu vực và trên thế giới.

Thách thức về phát triển và hội nhập

Quá trình hội nhập toàn cầu đang đặt châu Á trước nhiều thách thức: Chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các mối đe dọa khủng bố; vấn đề hạt nhân, tên lửa trên bán đảo Triều Tiên; những căng thẳng ở Biển Hoa Đông, Biển Đông… vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh khu vực.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Nikkei Inc, Naotoshi Okada, đặt câu hỏi về cách thức duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực, đồng thời ngăn chặn xu hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ.

Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong nhấn mạnh, bây giờ là thời điểm châu Á cần phải gánh vác vai trò thực hiện thương mại tự do và bình đẳng, gặt hái các thành quả của toàn cầu và định hình một chương trình toàn cầu mới. Ông kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản, hai cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á hợp tác để cùng dẫn dắt sự hội nhập kinh tế và tự do thương mại tại châu Á.

Cựu Thủ tướng Singapore cũng kêu gọi Nhật Bản gánh vác vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mở cửa cho Trung Quốc gia nhập thỏa thuận này. 

Trong bài phát biểu tối ngày 5/6 trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) là một thể chế thương mại đa phương khác với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN. Ông cho rằng RCEP có thể trở thành một hiệp định chất lượng cao bằng việc xây dựng những quy định như của TPP. Đối với TPP, Thủ tướng Abe khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ nỗ lực để thực thi hiệp định này.

Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thực tế cho thấy toàn cầu hoá là xu thế và lịch sử cũng cho thấy toàn cầu hoá không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật vai trò động lực tăng trưởng chủ chốt của châu Á đối với quá trình toàn cầu hoá, chỉ ra những thách thức lớn mà châu Á đang phải đối mặt, và đề xuất ba nhóm giải pháp chính gồm: Duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc; Giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; và tối ưu hoá nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm nhìn sẽ quyết định phương thức tư duy, cách thức hành động và hợp tác giữa các quốc gia sẽ giúp xây dựng một châu Á hoà bình và thịnh vượng nơi mà ước mơ của mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay chưa có điều kiện phát triển đều sẽ được lắng nghe.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cam kết ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa, tự do thương mại và hội nhập khu vực. Ông khẳng định cùng với RCEP, ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết mang tính chất toàn cầu với các đối tác hiệp định tự do thương mại cũng như các nước khác. ASEAN hướng tới thương mại với thế giới theo cách thức mở. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh xu thế chống lại toàn cầu hóa và tự do thương mại đang gia tăng, ASEAN được xem là động lực cho một khu vực mở.

Hướng đi cho lục địa lớn nhất thế giới

Châu Á hiện là châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số, đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng nghìn năm đang là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa. Với trên 150 Hiệp định thương mại tự do và khu vực, chiếm 58% tổng số hiệp định của thế giới, châu Á đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế.

Thông qua hội nghị lần này, các đại biểu cũng trao đổi các biện pháp mà các nước châu Á cần thực hiện trong bối cảnh mới để duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm phát triển bền vững tại mỗi quốc gia và cả châu lục. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất 3 nhóm giải pháp chính gồm: Một là duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc. Hai là giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm. Ba là tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế.

Như vậy, trong bối cảnh Mỹ từ bỏ chiến lược “xoay trục”, rút khỏi Hiệp định TPP; xu hướng bảo hội thương mại, dân túy và chủ nghĩa cực đoan gia tăng…thì Hội nghị Tương lai châu Á năm nay lại cho thấy sự kiên định của khu vực nhằm khẳng định toàn cầu hóa là một xu thế không thể đảo ngược, châu Á vẫn là khu vực phát triển năng động của thế kỷ XXI với một nền thương mại mở. Tuy nhiên, việc có hay không vai trò dẫn dắt của các nước lớn là vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank