• English

Tin thị trường

Cơ hội mới của DN thủy sản

Mặc dù còn chịu thẻ vàng từ Liên minh châu Âu, nhưng DN thủy sản Việt đang có nhiều cơ hội mới và thị trường mới trong CPTPP.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, từ ngày 14/1/2019 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực, thủy sản xuất khẩu là một trong những ngành hàng được đánh giá có nhiều lợi thế nhất, bởi các quốc gia thành viên CPTPP nhập khẩu gần 2 tỷ USD hàng hóa/năm, tương đương 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, một số thị trường Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico là đối tác thương mại chính của xuất khẩu thủy sản. Riêng với thị trường Nhật, các DN xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ… sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Hiện nay, một mặt DN ngành thủy sản đang tập trung thực hiện các giải pháp (ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp) để khắc phục khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC), nhằm đề xuất EC gỡ bỏ cảnh cáo thẻ vàng liên quan đến hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam từ năm 2017. Mặt khác, DN cũng có cơ hội mới thấy được từ CPTPP. Đó là hàng thủy sản Việt rộng đường vào các thị trường mới mà Việt Nam chưa từng ký hiệp định thương mại như Canada, Mexico…

Thứ hai, khi xuất khẩu sang một số thị trường Canada và Nhật Bản  là các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay CPTPP có hiệu lực đối với một số mặt hàng như cá tuyết, surimi, tôm, cua... Còn tại thị trường Mexico nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của thủy sản Việt Nam là cá tra, cá basa sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ ba sau đó (từ năm 2021).

Cụ thể từng thị trường mà thủy sản Việt Nam có lợi thế là Canada với 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ ngày 14/1/2019). Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho thủy sản Việt Nam. Thị trường mới Peru xóa trên 80 số dòng thuế cho hàng xuất khẩu Việt Nam trong đó có thủy sản. Mexico xóa thuế theo lộ trình với trên 77% dòng thuế từ 1/2019 và 98% số dòng thuế theo lộ trình ở 10 năm tiếp theo.

Tại khu vực châu Á, Singapore xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định. Malaysia cam kết bỏ 84,7% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xóa theo lộ trình đối với các dòng thuế còn lại...

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm SaoTa, tuy có thêm cơ hội, song không phải mặt hàng thủy sản nào cũng được lợi nhất từ việc giảm thuế nhập khẩu trong CPTPP. Ví dụ như mặt hàng tôm, với nhiều thị trường nhập khẩu chính như Nhật Bản, Úc, New Zealand, Canada… thì đã có mức thuế bằng 0%, còn lại các thị trường mới như Peru, Mexico thì nhu cầu nhập khẩu tôm của họ không có hoặc rất ít.

Điều này, buộc DN xuất khẩu thủy sản phải cân nhắc, tính toán chiến lược tập trung vào thị trường chính cho mặt hàng thế mạnh của DN mình. Tuy vậy, thủy sản xuất khẩu Việt Nam vẫn có lợi thế lớn hơn, so với một số nước đang cạnh tranh như Thái Lan. Bởi trong CPTPP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giành ưu thế tại 10 quốc gia thành viên và nhóm này chiếm đến 25% thị phần xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay.

Không chỉ với CPTPP, DN thủy sản Việt còn kỳ vọng nhiều hơn ở Hiệp định song phương mà Việt Nam ký với Liên minh châu Âu (EU). Vì đây là thị trường lớn nhất đối với sản phẩm tôm Việt Nam từ trước đến nay, và cũng là thị trường áp dụng mức thuế cao đối với thủy sản nhập khẩu vào EU. Nếu Hiệp định thương mại với EU được ký kết, thủy sản Việt Nam vào EU được giảm thuế còn 0% (Thái Lan vẫn ở mức 20%), sẽ là lợi thế rất lớn cho các DN Việt.

Năm 2019, mục tiêu đặt ra của ngành thủy sản là đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2018. DN trong ngành cũng tự tin sẽ đạt được con số này. Bởi cơ hội thị trường xuất khẩu đang rộng mở, cộng với Luật Thủy sản có hiệu lực và thực thi sẽ tạo ra cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp thực tiễn, DN sẽ thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh

Thanh Thanh


Đăng ký nhận tin
KienlongBank