• English

Tin thị trường

Cơ cấu đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt

VTV.vn - Nội dung quan trọng được quan tâm là tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt sẽ khác cơ cấu tổ chức của 1 huyện như thế nào?

Sau rất nhiều năm nghiên cứu, lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như từ thực tế thành công của nhiều mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới, Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và đã được Chính phủ thông qua, bước tiếp theo là sẽ trình lên Quốc hội trong kỳ họp lần này.

Mô hình chính quyền địa phương ở 3 đặc khu hành chính - kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang được quan tâm, xem có độ mở như thế nào. Ba đơn vị này vẫn thuộc địa giới hành chính của tỉnh mà không tách ra thành 3 đơn vị độc lập. Nhưng với thể chế chính sách kinh tế xã hội có thể vượt trội và khi đã là đơn vị đặc biệt, luật áp dụng tại 3 đặc khu này cũng có thể khác với các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh khác trong cả nước.

Với phương án 1, Chính phủ đề xuất các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt không phải là cấp chính quyền địa phương. Vì thế sẽ không có HĐND và UBND, mà thay vào đó là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB), các cơ quan chuyên môn và Trưởng khu hành chính. Trưởng khu sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, sẽ thực hiện các chức năng quản lý nhà nước, có quyền quyết định tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính kinh tế xã hội trên địa bàn. Theo phương án này, đơn vị HCKTĐB được tổ chức thành các khu hành chính trực thuộc và có trưởng khu hành chính là người đại diện hành chính của Trưởng đơn vị HCKTĐB.

Phương án 2, do Quốc hội quyết định thành lập, tổ chức chính quyền địa phương một cấp tại đặc khu gồm HĐND và UBND. Đặc khu được chia thành các khu hành chính trực thuộc, không tổ chức HĐND và UBND cấp xã mà tổ chức Văn phòng khu hành chính với tính chất là cơ quan hành chính đại diện của UBND đặc khu trên địa bàn.

Phương án 2 tuy không xáo trộn nhiều so với mô hình hiện nay nhưng chưa có đột phá, không tương thích với tính chất đặc biệt của đặc khu. Tổ chức bộ máy chính quyền vẫn chủ yếu làm việc theo chế độ tập thể, thủ tục phức tạp, rườm rà. Phương án 1 được đánh giá là thể hiện được sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Và thiết chế trưởng đơn vị HCKTĐB là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy Nhà nước.

Theo đó, 126 thẩm quyền được trao cho thiết chế Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trong đó có đến 77 thẩm quyền của Thủ tướng, các Bộ ngành Trung ương, còn lại là thẩm quyền các cấp tỉnh, huyện xã.

Tích hợp thẩm quyền của cả 4 cấp chính quyền trong thiết chế này. Chưa bao giờ có thiết chế hành chính nào được trao các quyền hạn thuộc nhiều cấp như vậy. Chính vì thế, giám sát phải đến từ chính nơi trao quyền.

Ban THời Sự VTV

Đăng ký nhận tin
KienlongBank