• English

Tin thị trường

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đạt nhiều kết quả ấn tượng

Tại Họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra chiều ngày 25/4/2024, nhiều thông tin liên quan đến hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã được đại diện lãnh đạo các đơn vị Vụ, Cục của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng chia sẻ và giải đáp.

chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-dat-ket-qua-an-tuong-1

Bà Hoàng Thanh Nhàn, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng thông tin một số nội dung sẽ diễn ra trong Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

Tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số

Chia sẻ về những thành tựu nổi bật của ngành Ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, NHNN đã nghiên cứu, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng như: Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024, trong đó có nhiều quy định về đẩy mạnh hoạt động ngân hàng số; Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030; Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 15/01/2024 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; các Thông tư hướng dẫn về mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng, bảo lãnh, cho vay bằng phương thức điện tử. Hiện NHNN cũng đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Từ năm 2020-2022, NHNN xếp thứ hạng cao trong các Bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số.

 

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu tại Họp báo

Cùng với khuôn khổ pháp lý, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, bình quân xử lý giao dịch thanh toán nội tệ hơn 830 nghìn tỷ đồng/ngày. Hệ thống chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử có khả năng xử lý giao dịch thanh toán tức thời, vận hành liên tục 24/7 trong suốt năm, bình quân xử lý từ 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Đến nay, toàn thị trường có hơn 21.000 ATM và 561.000 POS; mạng lưới chấp nhận thanh toán (POS/QR Code) phủ đến hầu hết các điểm kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng tiện ích và đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học.

Đáng chú ý, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR Code với Thái Lan, Campuchia và đang tiếp tục triển khai với Lào cho phép khách hàng thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ tại nước ngoài thông qua mã QR ngay trên ứng dụng di động (Mobile app) của ngân hàng Việt Nam và ngược lại.

Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia nâng cấp để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động, đồng thời mở rộng thu thập và cập nhật dữ liệu trong và ngoài ngành với tỷ lệ cập nhật số liệu thành công từ TCTD đạt mức cao trên 98%, độ bao phủ thông tin tín dụng trên tổng dân số trưởng thành luôn được cải thiện, nâng tổng số khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng lên gần 55 triệu khách hàng. Các TCTD, trung gian thanh toán đã chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu, sẵn sàng triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong toàn đơn vị.

Từ những nền tảng về pháp lý và công nghệ, nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...).

Nhiều TCTD tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Các TCTD tập trung chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh truyền thống cùng với việc có thêm nhiều kênh tương tác đã đem lại các sản phẩm dịch vụ mới, tiện ích và hoàn toàn khác biệt so với trước đây như: phát triển tính năng nộp/rút tiền trên máy giao dịch tự động; nộp/rút tiền mặt bằng căn cước công dân gắn chip; giải ngân trực tuyến dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thanh toán quốc tế trực tuyến; mở thẻ tín dụng qua tương tác giao dịch với Rô-bốt, thanh toán chạm bằng điện thoại thông minh (Tap to pay), thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán bằng giọng nói, khuôn mặt,...

Đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động. Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-dat-ket-qua-an-tuong-3

Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin phát biểu tại Họp báo

Liên quan đến một số kết quả triển khai của ngành Ngân hàng đối với Đề án 06, ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, nhiều TCTD đang phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, đã có 44 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng đọc thẻ căn cước công dân gắn chíp; 13 TCTD đã và đang liên hệ với C06 triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử.

Đến tháng 3/2024, đã có 41 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip qua ứng dụng điện thoại, trong đó có 15 TCTD đã triển khai cung cấp dịch vụ; 51 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip qua thiết bị tại quầy, trong đó có 22 TCTD đã triển khai cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được chú trọng, NHNN cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan triển khai các biện pháp trong đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính thông quan nhiều hoạt động, phương thức tiếp cận đa dạng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu lợi dụng dịch vụ thanh toán cho hoạt động bất hợp pháp, giúp người dân, doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng, lợi ích của thanh toán số.

Không ngừng gia tăng sản phẩm, dịch vụ số

Những hỗ trợ về chính sách, công nghệ nêu trên đã hỗ trợ các ngân hàng, TCTD triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ số cho khách hàng. Là một trong số những ngân hàng tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, ngân hàng đã cung cấp dịch vụ cho vay tín chấp trên nền tảng số cho khách hàng cá nhân thông qua điểm tín dụng. Khách hàng có thể được cấp tín dụng dưới 100 triệu đồng với thời gian phê duyệt chỉ trong vòng vài phút, khách hàng có thể nhận được tiền ngay lập tức.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích hợp dữ liệu trên căn cước công dân trên Cổng dữ liệu thông tin quốc gia để xác thực khách hàng. Sau thời gian ngắn triển khai, ngân hàng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng.

Để tăng cường đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng, bà Nguyễn Thuỳ Linh, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, với số lượng khoảng 30 triệu khách hàng, ngân hàng luôn ưu tiên đảm bảo an toàn thông tin và tài sản cho khách hàng tại MB. Trong đầu tháng 4/2024, MB đã áp dụng công nghệ xác thực chuyển khoản bằng khuôn mặt, đây có thể là công nghệ giúp khách hàng an tâm nhất khi thanh toán cùng MB. Tính đến thời điểm hiện tại, MB là ngân hàng đầu tiên áp dụng công nghệ này để bảo vệ tối đa cho khách hàng của MB.

Trong khi đó, với vai trò là đơn vị trung gian thanh toán, ông Đặng Thành Tuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ EPAY cho biết, đơn vị đã áp dụng giải pháp xác thực khách hàng mở tài khoản trên ví điện tử bằng sinh trắc học, thông tin trên căn cước công dân gắn chíp... Bên cạnh đó, khách hàng có thể dùng ứng dụng VNeID để mở tài khoản trực tiếp trên ví điện tử, sắp tới khách hàng cũng sẽ được trải nghiệm dịch vụ này trên VNeID sau khi C06 rà soát lại các đơn vị cung cấp giải pháp này để cùng kích hoạt dịch vụ. Thứ hai là việc đưa các dịch vụ tiện ích lên nền tảng số, doanh nghiệp cung được phép cung cấp các dịch vụ thu hộ trên VNeID, thời gian tới người dân cũng có thể sử dụng VNeID để thanh toán các tiện ích như điện, nước...

chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-dat-ket-qua-an-tuong-4

Toàn cảnh Họp báo

Định hướng trong thời gian tới, đại diện Vụ Thanh toán cho biết, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về TTKDTM, chuyển đổi số, trong đó có Nghị định mới về TTKDTM và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản, thông tư hướng dẫn Luật các TCTD, Nghị định mới về TTKDTM; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN (giữa Bộ Công an và NHNN) triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Nhằm phát triển hệ sinh thái thanh toán số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm thanh toán cho người dân, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, NAPAS đang phối hợp triển khai hạ tầng thanh toán, cho phép người dân có thể sử dụng tất cả các dịch vụ thanh toán hiện nay gồm thẻ, tài khoản, VietQR để thanh toán các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID do Bộ Công an xây dựng và quản lý.

Đến nay, NAPAS đã triển khai thí điểm một số dịch vụ, trong đó có dịch vụ thanh toán trực tuyến phí/ lệ phí cấp Lý lịch tư pháp cho người dân. Hiện đơn vị cũng đảm bảo chi phí xử lý giao dịch thấp nhất có thể, qua đó cung cấp nền tảng thanh toán góp phần phổ cập tài chính toàn diện. NAPAS cũng đưa ra các giải pháp thanh toán mới qua thẻ, tài khoản như giải pháp số hoá điểm chấp nhận thanh toán (Tap to phone), cho phép biến chiếc điện thoại di động thành máy thanh toán thẻ (Soft POS); dịch vụ số hóa thẻ trên nền tảng thiết bị di động và các website/ ứng dụng thương mại điện tử (Tap to pay) dự kiến sớm được ra mắt trong thời gian tới.

Dưới sự chỉ đạo của NHNN, Thời báo Ngân hàng và Vụ Thanh toán phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng vào ngày 8/5/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia (Hà Nội). Sự kiện sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành, với chương trình VIP tour (trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ trực tiếp tại các gian hàng), phần tham luận của các ngân hàng thương mại…

Đặc biệt, Hội thảo chuyên đề lần đầu tiên được tổ chức với Chủ đề “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” với sự tham gia thuyết trình của các chuyên gia tài chính, công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đến từ Google, IBM, Fidelity, SAP… sẽ là điểm nhấn quan trọng của sự kiện năm nay.

Bên cạnh đó, tại sự kiện sẽ có 16 gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới nhất của các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Triển lãm sẽ mở cửa rộng rãi đón khách tham quan từ 8h-18h ngày 8/5/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 nhận được sự đồng hành của các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, VIB, TPBank, OCB, HDBank, MSB, Nam A Bank, Techcombank, SHB, VNPay, Epay, FPT IS, Napas, LPBank, ACB, Eximbank…

Theo thoibaonganhang.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank