• English

Tin thị trường

Chương trình hành động của Chính phủ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế

Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12/3/2020, Chính phủ đã ban Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được Chính phủ giao triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.

chinh-phu-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-cac-nguon-luc-kinh-te

Chương trình được ban hành đã đề ra mục đích, yêu cầu là: Đối với nguồn nhân lực phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 33% tổng số lao động của cả nước. Khắc phục cơ bản tình trạng mất cân đối cung - cầu nhân lực trong nền kinh tế; thiết lập hệ thống sắp xếp công việc dựa trên vị trí việc làm, củng cố hệ thống chức nghiệp thực tài.

Đối với nguồn vật lực, đến năm 2025, hình thành hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và kết cấu hạ tầng đô thị.

Đối với nguồn tài lực, đến năm 2025, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, với các nhiệm vụ đã giao tại các văn bản trước đây, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý, phát triển nguồn lực (nhân lực 39 văn bản; vật lực 44 văn bản; tài lực 51 văn bản) nhằm sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa các nguồn lực báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2020. .

Trong đó, các văn bản về lĩnh vực tài chính - ngân hàng (thuộc nguồn tài lực) cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung như sau:

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc nhà nước đến năm 2020.

Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.

Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Về các nhiệm vụ phát sinh mới, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển các nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, NHNN được giao nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, không được Chính phủ bảo lãnh, bảo đảm trong hạn mức được duyệt.

NHNN chủ trì xây dựng Đề án áp dụng cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.

Cùng với đó, NHNN chủ trì xây dựng dự án Luật Các hệ thống thanh toán, thời gian trình từ năm 2021 - 2025.

Theo sbv.gov.vn

Đăng ký nhận tin
KienlongBank