Sau 2 tháng bán ròng, gần đây, khối ngoại đã quay lại mua ròng khiến thị trường chứng khoán sôi động
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần rồi (ngày 17-2), dù giảm 1,52 điểm nhưng VN-Index vẫn giữ vững mốc trên 700 điểm, đạt 707,83 điểm. Đây là mức cao nhất trong 9 năm qua của VN-Index kể từ sau thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008. Điều đáng nói là sau 2 tháng bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại khi các chỉ số cũng như thông tin kinh tế vĩ mô trong nước có dấu hiệu lạc quan.
Nhiều cổ phiếu liên tục tăng
Có thể nói sau Tết nguyên đán, thị trường chứng khoán đã có nhiều dấu hiệu lạc quan, khi cả 2 chỉ số tăng điểm khá. Trong đó, VN-Index đã tăng mạnh trong tháng đầu năm 2017 và đạt trên 700 điểm vào đầu tháng 2 - mức cao nhất từ tháng 2-2008 và tăng 5% so với cuối năm 2016. Như vậy, chứng khoán Việt Nam đã tăng khá mạnh so với Thái Lan (tăng 2,2%) và Indonesia (giảm 0,05%) nhờ các yếu tố vĩ mô và thị trường.
Nhiều cổ phiếu theo đó đã tăng liên tục, nhất là các mã ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng… Các công ty chứng khoán nhận định dù giảm điểm phiên cuối tuần qua nhưng sức mua từ khối ngoại vẫn tăng mạnh với giá trị 167,6 tỉ đồng, tăng gần 70% so với phiên trước đó. Các mã vốn hóa lớn được khối ngoại gom hàng, như CTG, VNM, HPG, SSI, VCB, CTD…
Chuyên viên phân tích vĩ mô Nguyễn Hải Hiền của Công ty Chứng khoán Bản Việt nhìn nhận sau 2 tháng bán ròng, những phiên gần đây, khối ngoại chuyển sang mua ròng. Khối ngoại mua ròng 31,9 triệu USD trong tháng 1 và tiếp tục mua thêm trong tháng 2. Mức mua của khối ngoại trong tháng 1 là cao nhất 6 tháng qua.
Trong tháng 1, VNĐ đã tăng 0,8% so với USD, phản ánh khả năng chính sách kinh tế mới của Mỹ có thể không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam như lo ngại trước đây. VNĐ tăng giá cũng tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua 1,2 tỉ USD trong tháng 1 để tăng cường dự trữ ngoại hối. Đó là lý do mà các công ty chứng khoán cho rằng tháng 1 vừa qua, cổ phiếu ngân hàng là điểm sáng của thị trường chứng khoán với mức tăng trung bình 14,4% so với tháng cuối năm 2016.
Cải thiện niềm tin nhà đầu tư
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 1-2016, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại 1,15 tỉ USD sau 3 tháng liên tiếp thâm hụt. Con số này có sự chênh lệch lớn so với mức ước tính sơ bộ thâm hụt 100 triệu USD do Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tháng 1-2017 và cao hơn so với mức thặng dư 881 triệu USD trong tháng 1-2016. Cán cân thương mại chuyển sang thặng dư, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu có sự chênh lệch lớn so với ước tính trước đây.
Ngoài những thông tin trên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang chảy vào Việt Nam, tạo tâm lý tốt cho nhà đầu tư. Trong đó, Samsung Electronics, nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam, cho biết bộ phận sản xuất màn hình của tập đoàn này dự kiến sẽ tăng vốn 2,5 tỉ USD để mở rộng công suất. Nhờ vậy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP.
Nhiều chuyên gia dự báo xu hướng chủ đạo của thị trường trong thời gian tới vẫn là tăng. Nhà đầu tư được khuyến khích duy trì một tỉ trọng cổ phiếu ở mức cao trong danh mục nhằm hưởng lợi trong xu hướng này.
“Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan trong diễn biến trung hạn của thị trường với ngưỡng cản 740-750 điểm đối với VN-Index trong vài tháng tới. Tuy nhiên, áp lực chốt lãi sớm vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện đối với những cổ phiếu đầu cơ đã tăng giá mạnh trong thời gian gần đây” - chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh khuyến cáo.
Phạm Đình