TP.HCM đang cần 850.000 tỷ đồng phát triển 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016-2020, nhưng ngân sách thành phố mới chỉ lo được 20% trong số này phần vốn còn lại phải huy động toàn xã hội. Mô hình hợp tác công - tư đang được coi trọng khi lãnh đạo địa phương cho rằng một đồng vốn ngân sách huy động được 14 đồng vốn của xã hội.
Ngân hàng cho vay những gì
Tuần qua, UBND TP.HCM đã chủ động tổ chức hội nghị kết nối các nhà đầu tư với ngân hàng, tại đây có 26.000 tỷ đồng được các TCTD cam kết cho vay vào 8 dự án đầu tư công của thành phố. Trong đó, VietinBank cho vay dự án xây dựng đường trục Bắc Nam với quy mô vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng; Agribank và SCB cho vay dự án xây dựng đường Nguyễn Tất Thành với quy mô vốn 4.669 tỷ đồng; Vietcombank cho vay xây dựng Khu khám dịch vụ số 1 Bệnh viện Nhi Đồng 1 có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng và xây dựng Trung tâm Y tế quận 7 có tổng mức đầu tư 99 tỷ đồng.
Bên cạnh các khoản đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, các NHTM hiện nay đang cho vay tạm ứng vốn vào các dự án sử dụng vốn ODA, sử dụng vốn ngân sách. Ví như dự án Tuyến metro số 1 năm nay cần 5.400 tỷ đồng trong khi vốn Trung ương rót về mới chỉ đạt 2.100 tỷ đồng, phần còn lại các NHTM sẵn sàng cho vay tạm ứng trong vòng một năm trong khi chờ kế hoạch ngân sách năm sau Trung ương rót vốn trở lại, rồi mới lại trả nợ ngân hàng. Chưa kể, các NHTM còn đầu tư rất lớn vào hạ tầng các dịch vụ công để người dân thành phố thanh toán viện phí, học phí, tiền điện, nước… thanh toán không dùng tiền mặt.Thực ra, hệ thống ngân hàng nhất là các NHTM có vốn Nhà nước chi phối, từ nhiều năm qua vẫn là trụ đỡ về vốn trong đầu tư hạ tầng cơ sở và an sinh xã hội ở các địa phương. Hơn chục năm trước VietinBank đã cho TP.HCM vay hơn 10.000 tỷ đồng giải tỏa đền bù Khu đô thị Thủ Thiêm. Vietcombank đã dành 3.950 tỷ đồng cho vay đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch cho 100% người dân thành phố. BIDV đã đầu tư rất lớn vào các dự án hạ tầng giao thông, khu đô thị…
Sợ nhất chỉ định thầu
Hợp tác công - tư, không phải ngân hàng nào cũng có sẵn nguồn vốn trung dài hạn đầu tư cho hạ tầng và các dịch vụ công ở các địa phương. Bởi bản chất ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn ngắn hạn, những năm gần đây nguồn vốn huy động của các NHTM đến 85%. Trong khi một lượng vốn trung dài hạn của các NHTM Nhà nước hàng năm đang phải dành ra đầu tư trái phiếu Chính phủ, khối NHTMCP thì chi phí vốn khá cao nên chủ yếu tìm DN cho vay sản xuất kinh doanh.
Theo các NHTM nếu các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở ở các địa phương, lãnh đạo chính quyền đứng ra bảo lãnh thì tín dụng sẽ tăng tốc rất nhanh. Thực trạng các dự án đầu tư công ở các địa phương hiện nay nếu dự án nào có nguồn thu sớm trong suất đầu tư thì rất dễ bị chỉ định thầu. Trong khi quy định chính quyền địa phương bảo lãnh cho các dự án đầu tư công ở địa phương hiện nay cũng rất chặt chẽ. Mặc dù cơ chế trái phiếu chính quyền địa phương như TP.HCM được Trung ương cho phép tự vay tự trả (có báo cáo ghi sổ nợ công quốc gia). Nhưng nguyên tắc bảo lãnh thì các TCTD cũng phải thẩm định bảo lãnh bằng dự án, hoặc một nguồn thu ngân sách nào đó chứ cũng không phải bảo lãnh bằng… lời hứa.
Theo các NHTM tâm lý đi “xin dự án” trọng điểm trong giới đầu tư ở các địa phương còn rất nặng, điều này có thể gây ra rất nhiều rủi ro cho tín dụng ngân hàng. Mặt khác nếu một dự án có nguồn thu sớm thì các chủ đầu tư tranh nhau vay vốn đầu tư, cũng không phải chờ đến khi chính quyền đi vay mượn đầu tư, sự co kéo về lợi ích này luôn mâu thuẫn trong phát triển hạ tầng và đầu tư dịch vụ công ở các địa phương. Trong khi thị trường chứng khoán chưa phát triển đến mức đủ để chính quyền địa phương có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn của các nhà đầu tư quốc tế để có vốn phát triển hạ tầng.
Một hướng khác tìm vốn đầu tư hạ tầng và các dịch vụ công ở các địa phương, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, hướng đến các nguồn tín dụng nước ngoài để bù đắp nguồn lực thiếu hụt cho các dự án công - tư. Kinh nghiệm của Ấn Độ, Indonesia, Philippines… là khi thị trường sơ khai tín nhiệm còn thấp các nhà cung cấp tài chính quốc tế thường yêu cầu bảo lãnh rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ, doanh thu… khi phát triển được thị trường rồi thì các điều kiện vay vốn sẽ được gỡ bỏ bớt. Song, cần xây dựng một quy định công khai thông tin dự án, chủ đầu tư trong những dự án hợp tác công - tư trong suốt vòng đời dự án bao gồm cả tiến độ dự án thực hiện công trình.
NHNN đang dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2016) theo hướng nâng tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn lên 45% trong năm 2018 thay vì 40% theo lộ trình trước đó nhà điều hành đã đưa ra. Đây có thể coi là cơ hội cho các địa phương kêu gọi các NHTM đầu tư vốn trung dài hạn vào các dự án hạ tầng và dịch vụ công trong năm tới theo hình thức hợp tác công - tư. |