• English

Tin thị trường

Cho phép giữ lại một phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao

(TBTCO) - Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) đối với một số hoạt động đối ngoại.
  

Nghị định này nhằm quy định chi tiết điều 74 của Luật NSNN. Theo đó, “giao Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại” và xin ý kiến UBTVQH trước khi thực hiện. 

Cho phép giữ lại một phần phí thu để chi cho người lao động

Theo tờ trình dự thảo Nghị định do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, hiện nay cơ chế quản lý, sử dụng ngân sách cho hoạt động đối ngoại Nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp quy. Nhiều văn bản pháp luật chưa bao quát các nội dung đặc thù của cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài… Việc ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại là cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế này.

Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định theo Tờ trình của Chính phủ. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo quy định về nhiệm vụ thu, chi NSNN đối với một số hoạt động đối ngoại; lập dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại, Thường trực Ủy ban cho rằng, quy định như vậy là đầy đủ và phù hợp với Luật NSNN. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cụ thể hóa hơn theo hướng liệt kê các hoạt động đối ngoại, thay vì “một số hoạt động đối ngoại” để tránh sự chồng lấn với đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác…

Cho ý kiến về một số vấn đề được nêu tại dự thảo, UBTCNS cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cho phép để lại một phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao để thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có chi bổ sung nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động như quy định hiện hành, với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình và đánh giá rõ hơn về tác động của số thu phí được để lại, làm rõ hơn tính hợp lý của việc cho phép để lại một phần cho cơ quan đại diện ở nước ngoài, vì cơ quan đại diện không thực hiện cơ chế khoán chi và khoản phí này nếu được để lại theo Luật phí, lệ phí thì cũng không sử dụng để tăng thêm thu nhập cho người lao động. Đồng thời, có ý kiến cần có cơ chế sử dụng công khai, minh bạch và rõ tiêu chí phân phối thu nhập, bảo đảm công bằng giữa các nước, các khu vực và cơ chế giám sát việc sử dụng khoản phí để lại này.

Sớm ban hành quy chế về đầu tư XDCB với cơ quan ngoại giao

Cho ý kiến về quy chế quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), UBTCNS cho rằng, để bảo đảm sự chặt chẽ trong quản lý đầu tư XDCB, là cơ sở để thực hiện có hiệu quả việc quản lý NSNN đối với hoạt động đối ngoại. Dự án đầu tư XDCB ở nước ngoài không chỉ chịu sự chi phối của pháp luật nước sở tại, mà còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị các cơ quan của Chính phủ trên cơ sở đánh giá những vướng mắc đối với một số dự án XDCB của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư XDCB đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng…và phù hợp với pháp luật nước sở tại, đảm bảo tính khả thi.

Thảo luận về dự thảo Nghị định, các thành viên UBTVQH đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị định để hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả, kịp thời, phù hợp với đặc thù công tác đối ngoại, giúp tháo gỡ tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách áp dụng trong lĩnh vực đối ngoại.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, về lâu dài, cần đưa nội dung này vào Luật, nhất là khi sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, cần tính đến chính sách với hoạt động đối ngoại và cán bộ ngoại giao.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH đồng ý việc thành lập quỹ tạm giữ để thu các khoản phí qua hoạt động ngoại giao, song phải đảm bảo chế độ quản lý quỹ như tiền gửi vào các cơ quan kho bạc, không để xảy ra tình trạng tồn quỹ quá lớn. UBTVQH cũng đồng ý nội dung cho phép được trừ đi chi phí quản lý, số còn lại đồng ý để lại một phần, tuỳ tình hình cụ thể hàng năm. Tuy nhiên, những khoản này đều phải được dự toán, được Quốc hội thông qua, số vượt thu phải báo cáo UBTVQH… 

D.A/ Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank