• English

Tin thị trường

Chính sách tín dụng: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

NHNN rất sát sao trong định hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD.

Tín dụng tăng cao, đáng lo?

Tại Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, với Việt Nam, cơ quan này nhìn nhận: Tăng trưởng tín dụng lên đến khoảng 19% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2016, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá hiện hành) cho thấy có lý do cần quan ngại, đặc biệt vì tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam ở mức trên dưới 120% vào tháng 12/2016 là mức cao trong khi áp lực nợ xấu trong quá khứ còn chưa được giải toả đủ... 

NHNN đã ban hành một loạt các quy định đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả

Đồng ý là WB có cơ sở để đưa ra nhận định này, TS. Luật sư Bùi Quang Tín lý giải thêm: Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng (TTTD) quá nóng thì nguồn thu của hệ thống NH không bền vững, chưa kể cộng với khối lượng nợ xấu vẫn tồn đọng đang phải giải quyết. Thứ hai, hiện nay phải thừa nhận TTTD có mối quan hệ gần với tăng trưởng GDP. Để GDP đạt được mức 6,7% tất yếu sẽ phải có sự góp phần của vốn đầu tư. Mà đáng lẽ ra trách nhiệm này phải phân bổ đều nhưng hiện nay hệ thống NH Việt Nam vẫn đang gánh trách nhiệm chính trong cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Ở các quốc gia khác, họ tập trung huy động nguồn vốn trung dài hạn từ thị trường chứng khoán thì sẽ giảm bớt áp lực cho hệ thống NH. Vì bản chất, hệ thống NH là cho vay chỉ đáp ứng nguồn vốn ngắn hạn.

Chuyên gia này cũng cho rằng quan điểm của WB đưa ra được nhìn ở góc độ tổng thể. Còn nếu nhìn vào Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016 - 2020 trong đó ngành Ngân hàng có tính tới những biện pháp để tăng nguồn thu từ dịch vụ lên khoảng 30% cho hệ thống NH vào năm 2020, có thể thấy, chúng ta đang có lộ trình chuyển nguồn thu từ tín dụng qua thu từ dịch vụ, TTTD sẽ không còn cao.

Hơn nữa, Việt Nam cũng có lộ trình phát triển thị trường chứng khoán theo hướng sẽ có thị trường chứng khoán phái sinh. Thị trường chứng khoán gần đây cũng ghi nhận tăng trưởng trở lại, các DN muốn huy động vốn sẽ thông qua phát hành cổ phiếu, hay việc yêu cầu những DN nào đã cổ phần hoá phải thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán... “Chúng ta đã và đang hiện thực hoá các giải pháp để gỡ bỏ mối lo lắng trong nhận định của WB, chứ đâu có ngồi yên”, ông Tín cho hay.

Có cùng suy nghĩ, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ, vì TTTD hỗ trợ cho GDP nên khi GDP tăng thì tín dụng cũng tăng lên. TTTD bao giờ cũng cao hơn tăng trưởng GDP. Thông thường, mức độ tăng tín dụng ở những quốc gia phát triển rơi vào khoảng 2 lần/tăng trưởng GDP. Còn với những nước đang phát triển như Việt Nam, chuyên gia này cho rằng mức độ TTTD sẽ là khoảng 2,5 lần/tăng trưởng GDP. “Có thể WB e ngại về tốc độ TTTD quá nóng sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn. Nhưng NHNN đã và đang có những quy định, lộ trình cụ thể để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Trao đổi thêm với một CEO NHTM, ông này chia sẻ: WB đưa ra quan ngại là điều cần thiết, nhưng chúng ta cũng có những cơ sở và điều kiện để đảm bảo tăng trưởng và phát triển trong an toàn.

“Bàn tay thép” của nhà điều hành

Cơ sở để phát triển an toàn các CEO NHTM đưa ra cũng như ý kiến các chuyên gia kinh tế nhắc tới nhiều nhất trong cuộc trao đổi với phóng viên là “bàn tay thép” của nhà điều hành. Năm nay, chỉ tiêu TTTD đề ra là 18% nhưng Thống đốc NHNN cũng cho biết, trong năm 2017, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.

Bên cạnh đó, nhà điều hành cũng sẽ chặt chẽ trong việc kiểm soát quy mô tín dụng cho phù hợp với chỉ tiêu định hướng; nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Nói là làm, NHNN đã ban hành một loạt quy định để dần hiện thực hoá thông điệp của mình. Đơn cử như Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng VND thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định. Từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NH phải giảm từ 60% xuống còn 50%, đến đầu năm 2018 giảm còn 40%.

Theo quy định của NHNN tỷ lệ rủi ro các khoản vay bất động sản cũng nâng từ 150% lên 200%. Trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc NHNN, ban hành đầu năm 2017 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2017 cũng nhắc lại vấn đề quản lý chặt chẽ cho vay với lĩnh vực bất động sản, BOT, BT giao thông.

Tuân thủ quy định là điều phải làm, song bản thân các NH cũng đang có những lo ngại và cẩn trọng hơn khi rót vốn vào những lĩnh vực rủi ro, đơn cử như cho vay với các dự án BOT, BT giao thông. Các NH đang phải căn ke để đảm bảo thực hiện đúng Thông tư 41/2016/NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn với NH, chi nhánh NH nước ngoài sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020 vì cho vay các dự án BOT, BT đều là nguồn vốn trung, dài hạn. “Nếu bản thân NH hiện tại không kiểm soát, cho vay ồ ạt thì đến khi các quy định về giới hạn tỷ lệ an toàn vốn có hiệu lực, NH tất yếu sẽ gặp nhiều khó khăn”- ông Bùi Quang Tín nói.

Trên thực tế, thời gian gần đây các NH cũng “chột dạ” khi không ít dự án BOT khó khăn trong trả nợ vay NH, như việc công trình vừa mới hình thành đã có vấn đề về chất lượng, dẫn tới sửa chữa... khiến doanh thu thực tế của DN không đạt, NH lại phải cơ cấu thời hạn trả nợ...

Ví dụ như trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, năm 2016 đơn vị này báo lỗ gần 400 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên 1.226 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 670 tỷ đồng và nợ phải trả lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Trong số đó riêng nợ với Sacombank chiếm 1.300 tỷ đồng và DN còn vay nợ ở hai NHTM khác.

Tháng 10/2016, SHB cũng dừng cấp vốn cho Dự án Hoà Lạc - Hoà Bình (trạm thu phí Quốc lộ 6) sau khi nhận thấy doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính mà chủ đầu tư đưa ra. “Đã cho vay là sẽ gắn với rủi ro, lĩnh vực nào cũng vậy. Nhưng nếu NH cho vay BOT, BT giao thông hay bất động sản buộc phải có sự cân nhắc, tính toán lại trong việc đưa ra hạn mức khi tham gia phù hợp với cơ cấu vốn của đơn vị; quan trọng nhất là thẩm định kỹ năng lực chủ đầu tư”, CEO một NHTM chia sẻ.



Đăng ký nhận tin
KienlongBank