• English

Tin thị trường

Chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phối hợp đồng bộ với chính sách tài khoá, đảm bảo hài hoà giữa tỷ giá, lãi suất nhất là xu hướng lạm phát mới của thế giới.

Chiều 16/5, Chính phủ họp bàn về chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, trong đó có các nội dung về thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp; cùng tham dự có lãnh đạo một số bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông…

Về phía Ngân hàng Nhà nước có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cùng các đồng chí trong ban lãnh đạo NHNN, đại diện lãnh đạo một số vụ, cục đơn vị liên quan.

Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát toàn cầu giảm chậm và cao hơn mục tiêu tại nhiều nước. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ 2023, sản xuất công nghiệp, FDI và xuất nhập khẩu tăng cao, du lịch, dịch vụ diễn biến tích cực, xuất siêu 8,4 tỷ USD. Trong bối cảnh lạm phát các nước ở mức cao thì trong nước, lạm phát được kiểm soát, bình quân 4 tháng 2024 là 3,93% so với cùng kỳ 2023, góp phần vào sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, lạm phát có xu hướng tăng từ mức tháng 1 là 3,37% so với cùng kỳ 2023 lên 4,4% trong tháng 4 do yếu tố nền lạm phát năm ngoái thấp, kết hợp với tác động của giá xăng dầu, lương thực tăng theo giá thế giới và giá điện trong nước tăng.

chinh-sach-tien-te-ho-tro-phat-trien-kinh-te-1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Về điều hành tăng trưởng tín dụng, NHNN đã khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chỉ đạo các TCTD quyết liệt thực hiện các giải pháp để tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hiệu quả trong năm 2024.

Phó Thống đốc cho biết, tính đến ngày 10/5/2024, dư nợ tín dụng là 13,83 triệu tỷ đồng, tăng 1,95% so với cuối năm 2023. Tín dụng đã có xu hướng tăng trưởng trở lại từ tháng 3/2024 đến nay sau 02 tháng đầu năm tăng chậm. Với thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.

Đối với điều hành lãi suất, trong các tháng đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Kết quả, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm 2024 (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022 và đến ngày 10/5/2024, giảm lần lượt 0,36%/năm và 1,04%/năm so với cuối năm 2023).

chinh-sach-tien-te-ho-tro-phat-trien-kinh-te-2

Lãnh đạo một số bộ, ngành tham dự cuộc họp

Đối với việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, theo Phó Thống đốc, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực lớn. Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài. Cụ thể, bên cạnh việc phát hành tín phiếu (từ ngày 11/3/2024) nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, góp phần giảm bớt mức chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD, hạn chế áp lực gia tăng lên tỷ giá, từ ngày 19/4/2024, NHNN thực hiện bán ngoại tệ cho các TCTD để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, bình ổn tâm lý thị trường, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Đến ngày 15/5/2024, NHNN đã bán can thiệp 1,58 tỷ USD cho các TCTD. Việc điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá nêu trên cũng tương tự như các giải pháp được các NHTW trong khu vực triển khai thời gian qua. Từ đầu năm 2024, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 4,9% so với USD, tương đồng với xu hướng chung của thế giới; mức mất giá của VND ở mức trung bình và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.

chinh-sach-tien-te-ho-tro-phat-trien-kinh-te-3

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà báo cáo tình hình điều hành chính sách tiền tệ trong 4 tháng đầu năm

Thời gian qua, tỷ giá trên thị trường trong nước có xu hướng biến động mạnh. Theo đó, NHNN và Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đã tăng cường phối hợp trong công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm góp phần ổn định tỷ giá.

NHNN đã có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước đề nghị cân đối thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ với khối lượng phù hợp để duy trì số dư tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.

Về quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường. Từ 19/4/2024 đến nay, NHNN đã tổ chức 07 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường, trong đó có 04 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn). NHNN đã chi 77,429 triệu USD để mua vàng nhập khẩu đối ứng.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thu chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2024, việc thực hiện các chính sách miễn giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo về tiến độ và giải pháp thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông; Đại diện Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng về vấn đề đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội...

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong 4 tháng đầu năm 2024 có thể thấy tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cần tiếp tục các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không chủ quan, chủ động phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

Trong đó, đối với chính sách tài khoá, Thủ tướng đề nghị cần điều hành chính sách tài khoá mở rộng có trọng tâm trọng điểm, tăng thu, giảm chi, thúc đẩy đầu tư công, tăng phát hành trái phiếu chính phủ, tăng huy động cho đầu tư phát triển.

chinh-sach-tien-te-ho-tro-phat-trien-kinh-te-4

Toàn cảnh cuộc họp

Đối với chính sách tiền tệ, cần tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phối hợp đồng bộ với chính sách tài khoá, đảm bảo hài hoà giữa tỷ giá, lãi suất nhất là xu hướng lạm phát mới của thế giới. Trong điều hành chính sách tiền tệ cần sử dụng hợp lý các công cụ thị trường mở, có biện pháp can thiệp thị trường phù hợp.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp nhằm giảm lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng sinh kế cho nhân dân. Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện giải pháp nhằm tăng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp; các NHTM tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động thông qua đó giảm chi phí vay vốn của người dân, tích cực thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số như vừa rồi ngành Ngân hàng đã tổ chức rất tốt Ngày chuyển đổi số của Ngành năm 2024.

Đối với thị trường vàng, Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường, tăng cường truyền thông, thực hiện thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm xảy ra trên thị trường.

Theo thoibaonganhang.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank