• English

Tin thị trường

Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng

Theo đánh giá của giới chuyên môn, định hướng điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN đang bám sát chỉ đạo của Chính phủ cũng như theo tín hiệu của thị trường. Nhìn lại những tháng qua, đặc biệt trong những tháng cuối năm, NHNN đã có một loạt động thái liên quan đến CSTT được đánh giá là có tác động khá tích cực tới nền kinh tế. 

Đơn cử từ ngày 16/9/2019, NHNN đã có các quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NHTM từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm; Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm. 

Sau động thái hạ lãi suất điều hành trong tháng 9/2019, sang trung tuần tháng 11/2019, NHNN đã yêu cầu các TCTD giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng xuống còn 0,8%/năm và hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 5%/năm; hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 6%/năm. Động thái này của NHNN được giới chuyên gia đánh giá là bước đi hợp lý, phù hợp với xu hướng chung mà NHTW các nước trên thế giới đang thực hiện nhằm giữ cho nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng.

Sự thay đổi nữa thể hiện rõ nét hơn xu hướng giảm lãi suất ở Việt Nam, NHNN giảm lãi suất mua kỳ hạn (OMO) từ 4,5%/năm xuống 4%/năm - bước giảm lớn nhất trong 5 năm trở lại đây và là lần giảm thứ 2 trong năm nay. Đồng thời NHNN cũng tái khởi động lại kênh OMO sau gần 3 tháng không giao dịch. Một quyết định liên quan đến thay đổi lãi suất đáng chú ý nữa của NHNN trong tháng cuối năm là NHNN ban hành các quyết định giảm đáng kể lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD từ 1,2%/năm xuống còn 0,8%/năm đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc VND của TCTD tại NHNN; Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm.

Với những động thái điều chỉnh chính sách liên tiếp như trên của NHNN, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, NHNN đang muốn tạo tiền đề để các TCTD giảm lãi suất cho vay năm 2020, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro bất định thế giới tăng và lạm phát khá thấp. Đồng tình quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng, việc giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc ở thời điểm này một mặt có thể giảm bớt gánh nặng cho NSNN, bởi hiện tại, chi phí trả lãi cho khoản tiền gửi này được trích từ NSNN. Mặt khác nó cũng là một tín hiệu của nhà điều hành muốn các TCTD đẩy mạnh cho vay đối với nền kinh tế thay vì gửi tại NHTW.

Tuy nhiên không thể nói chính sách tiền tệ đang được nới lỏng khi mà NHNN cũng đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN về tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng tổng thể cùng với lộ trình siết chặt các quy định an toàn về vốn và tín dụng cho thấy, NHNN vẫn đang điều hành CSTT với phương châm thận trọng, linh hoạt và đồng bộ, có sự kết hợp của nhiều công cụ khác nhau.

Báo cáo phân tích thị trường mới đây của SSI cũng nhận định, những bước chuyển động về lãi suất cho thấy CSTT của NHNN Việt Nam dịch chuyển theo hướng hỗ trợ tăng trưởng rõ nét hơn. TS. Trần Hoàng Ngân - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng đánh giá điều hành chính sách của NHNN rất toàn diện ở mọi khâu từ điều hành lãi suất, ngoại hối, tỷ giá, tín dụng đến thanh toán, đảm bảo an ninh tiền tệ...

Nhưng ông đánh giá cao nhất là nỗ lực của NHNN trong điều hành tỷ giá. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường, nhất là trước sức ép phá giá đồng CNY của Trung Quốc nhưng NHNN vẫn khéo léo điều hành linh hoạt và thận trọng chính sách tỷ giá vừa hỗ trợ góp phần cải thiện cán cân thanh toán vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhưng đảm bảo tính hài hòa về sức mua của tiền đồng VND, cũng như các quan hệ đối ngoại… 

PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng nhận thấy, năm 2019 là một năm mà NHNN có nhiều chìa khóa và thuận lợi để NHNN có thể giữ tỷ giá nằm trong biên độ cho phép, dù diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, nhân dân tệ mất giá. Đối với điều hành CSTT của NHNN, quan trọng nhất là ưu tiên ổn định tỷ giá.

Quả vậy, tính đến thời điểm này, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng khoảng 1,5%, trong khi giá mua – bán USD tại các ngân hàng thậm chí còn không có nhiều thay đổi so với cuối năm 2018. Đó là một diễn biến hết sức ổn định trong bối cảnh tỷ giá của các đồng tiền chính yếu liên tục biến động mạnh. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, hiện nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế vẫn rất dồi dào, cộng thêm sự điều hành chủ động, linh hoạt của NHNN và dự trữ ngoại tệ tăng cao sẽ là những tiền đề quan trọng để ổn định tỷ giá trong khoảng thời gian còn lại của năm cũng như trong năm 2020.

Theo thoibaonganhang.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank