• English

Tin thị trường

Chính sách tiền tệ đóng góp tích cực phát triển thị trường chứng khoán

NHNN tiếp tục cùng Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường để phối hợp chặt chẽ, làm thế nào vẫn thúc đẩy phát triển các phân khúc của thị trường tài chính nhưng vẫn đảm bảo được các mục tiêu ổn định kĩnh tế vĩ mô theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019 diễn ra sáng nay 22/2, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đánh giá cao những kết quả mà thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đạt được trong năm 2018. Chỉ số chứng khoán chỉ giảm 5 điểm trong khi rất nhiều con số liên quan đến quy mô vốn hóa của thị trường đã lên đến 71,6% GDP, vượt mục tiêu đề ra. Số lượng các nhà đầu tư (NĐT) cũng gia tăng, đặc biệt là số lượng NĐT nước ngoài (tăng 24,4%) cho thấy đây là thị trường được NĐT rất tin tưởng.

“Chúng ta cũng thấy năm 2018 diễn biến trên thị trường rất phức tạp, đối với nhiều nước trên thế giới đã chứng kiến sự rút vốn ra của NĐT nước ngoài, trong khi đó ở TTCK Việt Nam, đầu tư gián tiếp có dòng vốn vào ròng đến gần 3 tỷ USD. Tôi rất ấn tượng với con số này”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Để có được kết quả này theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành nhất là giữa Bộ Tài chính và NHNN trong điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ (CSTT).


Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

Từ góc độ ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, hệ thống các TCTD là những trung gian tài chính, cho vay đối với các NĐT kinh doanh chứng khoán năm 2018 tăng khoảng 15%. Đây cũng là một trong những đóng góp đáng kể của hệ thống ngân hàng cho việc tăng nguồn vốn đầu tư để phát triển TTCK. Mức này rất phù hợp và nhất quán với mục tiêu chung về kinh tế vĩ mô, đó là kiểm soát tín dụng phù hợp với mục tiêu của CSTT trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã lên đến trên 130% GDP.

Từ góc độ các TCTD là người trực tiếp đầu tư vào thị trường, Phó Thống đốc cho rằng, ngân hàng là ngành có mức vốn hóa thị trường cao trên TTCK Việt Nam với mức vốn hóa lên đến 786 nghìn tỷ đồng. TCTD cũng là một trong những khối nắm giữ một lượng rất lớn TPCP – là hàng hóa chủ yếu trên TTCK. Trong số dư nợ TPCP hiện nay trên TTCK (đến 1,5 triệu tỷ đồng) thì các TCTD nắm giữ khoảng gần một nửa còn số này. Điều này khẳng định các TCTD cũng là nhà tạo lập rất quan trọng và rất tích cực trên TTCK Việt Nam.

Từ góc độ NHNN với vai trò là cơ quan điều hành CSTT cũng như thực hiện vai trò quản lý Nhà nước với hoạt động tiền tệ và ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, trong năm 2018, NHNN điều hành các giải pháp và công cụ CSTT rất sát theo những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt cả TTCK. Tất cả các giải pháp và công cụ NHNN đưa ra trong năm 2018 rất phù hợp, đúng thời điểm với khối lượng và liều lượng hợp lý điều tiết thanh khoản để vừa đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ cho các TCTD có thanh khoản để có thể tích cực tham gia TTCK, nhất là thị trường TPCP.

Điều hành CSTT có vai trò quan trọng trong việc ổn định mặt bằng lãi suất cũng như ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá so với các đồng tiền trên thế giới. Điều đó cho phép phát hành TPCP với lãi suất giảm 35 điểm phần trăm đến 98 điểm phần trăm theo báo cáo của UBCKNN. Đây cũng là cách thức mới cho việc phát hành TPCP và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt với tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định đã tác động rất tích cực trong việc giữ chân các NĐT nước ngoài. NĐT không có sự rút vốn ra. Họ bán ra để chốt lời nhưng số tiền thu được bằng VND vẫn giữ trong tài khoản để chờ cơ hội tiếp tục đầu tư.

“Trong năm 2018 chúng ta có dòng vốn ròng FII vào gần 3 tỷ USD, kết quả này cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ cũng đã hỗ trợ tích cực trong việc ổn định môi trường kinh tế vĩ mô để tăng niềm tin của NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Nhận định về xu hướng năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, TTCK luôn chịu tác động bởi những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, NHNN tiếp tục cùng Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường để phối hợp chặt chẽ, làm thế nào vẫn thúc đẩy phát triển các phân khúc của thị trường tài chính nhưng vẫn đảm bảo được các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu đánh giá toàn diện thị trường tài chính và thực hiện các bước tái cơ cấu thị trường tài chính.

Song, Phó Thống đốc cũng cho biết, cơ cấu vốn cho nền kinh tế đang có những vấn đề bất cập. Đó là tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện đã trên 130% GDP cho thấy nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp dựa rất lớn vào hệ thống ngân hàng. “Với bản chất vốn ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn, chúng tôi rất áp lực để cung ứng vốn dài hạn, vì vậy các TCTD rất khó khăn trong việc cân đối vốn và sử dụng vốn vì phải làm thế nào để tránh được rủi ro kỳ hạn”, Phó Thống đốc cho biết.

“Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2018 đã có bước phát triển, khối lượng phát hành TPDN đưa vào giao dịch tăng khoảng 7% so với năm 2017. Điều này rất tích cực vì nếu như việc phát hành TPDN, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN tiến triển thì NHNN sẽ giảm áp lực đối với việc cung ứng vốn trung dài hạn; tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường tài chính lành mạnh theo đúng nghĩa các TCTD cung ứng vốn ngắn hạn là chủ yếu. Chúng tôi rất mong muốn thị trường này phát triển mạnh hơn trong thời gian tới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Băn khoăn khi các TCTD đang nắm giữ khoảng 50% số lượng TPCP hiện nay, Phó Thống đốc cho rằng, ở đây có những điểm thuận lợi nhưng cũng có những điểm khó khăn vì nếu nắm giữ TPCP dài cho đến lúc đáo hạn thì đây là nguồn vốn dài hạn. Việc này sẽ tạo áp lực nhất định với TCTD khi vào những thời điểm lạm phát tăng cao, NHNN phải thực hiện CSTT thắt chặt thì việc chuyển đổi hay bán TPCP trên thị trường trong khi khối lượng nắm giữ nhiều để lấy thanh khoản phục vụ cho việc cân đối sẽ khó khăn.

Theo Dương Công Chiến – Thoibaonganhang.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank