Thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, thể hiện qua việc kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây là rất đáng ghi nhận. Nhất là năm 2016 các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ dường như là một trải nghiệm quan trọng gắn với thực tiễn của thời kỳ phát triển mới, tạo khởi đầu tốt đẹp cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020. Môi trường kinh doanh của các DN trong nước được cải thiện là yếu tố thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ năm 2017. Song cũng vẫn tồn tại không ít những thách thức.
Hình minh họa
Để đạt được định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 18%, trong điều kiện các NHTM phải đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu là 9%. Điều đó có nghĩa tăng trưởng tín dụng phải gắn với hiệu quả đầu tư và tăng vốn điều lệ. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với các NHTM để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.Dự báo, trong năm nay, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng kéo theo giá các mặt hàng cơ bản tăng theo, thêm vào đó theo lộ trình tăng giá các mặt hàng như điện, nước, học phí, viện phí được thực hiện trong năm 2017. Bên cạnh đó, vấn đề vốn cho tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7%, cùng với nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ gây áp lực cho kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 4% của năm.
Áp lực lớn để thực hiện mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá và lãi suất, luôn gắn liền với những diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế. Chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi và việc Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), cùng với những sự kiện chính trị khác, sẽ kéo theo sự thay đổi kinh tế thế giới. Đồng USD được dự báo tiếp tục tăng giá trong năm 2017, bởi khả năng trong năm nay Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất khoảng 3 lần cũng sẽ gây những áp lực đến ổn định lãi suất và tỷ giá ở Việt Nam.
Như vậy, có thể nói năm 2017 sẽ có không ít những thách thức đặt ra cho nhà điều hành về chính sách tiền tệ. Để đạt được mục tiêu trong kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế, rất cần sự phối hợp động bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhất là chính sách tài khóa, chính sách quản lý giá, chính sách thương mại để thúc đẩy xuất khẩu và chính sách xuất khẩu lao động để thu hút kiều hối…
Cùng với đó, NHNN tiếp tục chủ động điều hành theo nguyên tắc “looking forward”, sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, như việc NHNN ban hành Quyết định 2509/QĐ-NHNN ngày 27/12/2016, đã cho phép tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa là 90% đối với các NHTMCP Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, là giải pháp có tính chủ động cao.
Đây còn được coi là một quyết định rất sáng suốt đón trước tình hình, tạo thuận lợi cho các NHTM lớn có điều kiện mở rộng quy mô cho vay, không lãng phí vốn vào mục đích thanh khoản khi mà NHNN đã có công cụ nghiệp vụ thị trường mở và cho phép các NHTM tăng tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ tại Thông tư 06.