Bước tiến mới về thủ tục trong giao dịch trái phiếu
Từ 1/9 tới, Thông tư 10/2017/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trái phiếu sẽ chính thức có hiệu lực. Với các quy định mới, Thông tư này được đánh giá sẽ là một bước tiến mới về cải cách thủ tục, nâng cao tính minh bạch cho thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên thị trường.
Theo đó, Khoản 2 Điều 7, Thông tư đã bổ sung thêm về điều kiện buộc chấm dứt tư cách thành viên khi giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động; hoặc tổ chức chấm dứt tồn tại sau khi hợp nhất (công ty bị hợp nhất), sáp nhập (công ty bị sáp nhập), chia (công ty bị chia); hoặc tổ chức hình thành sau khi sáp nhập (công ty nhận sáp nhập), tách (công ty bị tách) nhưng không đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 234/2012/TT-BTC.
Về loại hình trái phiếu chính phủ (TPCP) niêm yết, Thông tư 10 đã rút ngắn còn 3 loại hình: TPCP, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương. Một điểm mới nổi bật tại Thông tư là các quy định về chế độ báo cáo của các thành viên, hình thức báo cáo được thay đổi, loại bỏ việc bắt buộc báo cáo bằng văn bản thay vào đó sử dụng hệ thống tiếp nhận dữ liệu điện tử.
Nhà nước hỗ trợ chi phí điều trị nghiện bằng thuốc thay thế
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 73/2017/TT-BTC về quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm để hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Theo đó, người nghiện các chất dạng thuốc phiện mà tự nguyện tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại giam, trường giáo dưỡng... được NSNN đảm bảo: Toàn bộ chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện theo hướng dẫn chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định; và giá dịch vụ khám chữa bệnh, điều trị nghiện do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở điều trị nghiện của Nhà nước.
Người nghiện các chất dạng thuốc phiện tự nguyện điều trị bằng thuốc thay thế thuộc đối tượng tại Khoản 3 Điều 22 Nghị định 90/2016/NĐ-CP được hỗ trợ tối thiểu 95% chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện... Ngoài ra, các đối tượng tại Khoản 1, 2 Điều 2 Thông tư này sẽ không tiếp tục được hỗ trợ nếu chấm dứt điều trị tại Điều 10 Nghị Định 90/2016/NĐ-CP hoặc đã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác cùng nội dung chi.
Thông tư 73/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/9/2017.
Quy định mới về quản lý tài chính dự án đầu tư theo hình thức PPP
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 75/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 55/2016/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.
Theo quy định, mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận không vượt quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành TPCP có kỳ hạn 10 năm.
Cùng với đó, Thông tư 75 sửa đổi, bổ sung quy định về lãi vay huy động vốn đầu tư. Đồng thời, bổ sung nội dung TPCP có kỳ hạn tương ứng với thời gian hợp đồng dự án được xác định như sau: Hợp đồng dự án có thời gian thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng 10 năm thì sử dụng lãi suất TPCP có kỳ hạn 10 năm để xác định mức lãi suất vốn vay.
Hợp đồng dự án có thời gian thực hiện trên 10 năm và đến 15 năm: Sử dụng lãi suất TPCP có kỳ hạn 15 năm để xác định mức lãi suất vốn vay. Hợp đồng dự án có thời gian thực hiện trên 15 năm: Sử dụng lãi suất TPCP có kỳ hạn 20 năm để xác định mức lãi suất vốn vay.
Thông tư 75 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2017.
Xác định giá trị còn lại thực tế của công trình nước sạch nông thôn
Theo Thông tư 76/2017/TT-BTC về sửa đổi Thông tư 54/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2017), các công trình được thực hiện xác định giá trị còn lại thực tế bao gồm:
Công trình đã giao cho đối tượng quản lý (gồm đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp xã, hợp tác xã…) nhưng vận hành chưa hiệu quả; công trình đến ngày 10/9/2017 mà chưa được giao cho đối tượng quản lý; công trình tiếp nhận để giao kể từ ngày 10-9-2017 mà không có tài liệu hoặc có tài liệu nhưng không đầy đủ theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Quản lý các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 72/2017/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN.
Thông tư quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN (bao gồm cả các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được cân đối vào NSNN).
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (BQLDA), các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát thanh toán đối với các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN (bao gồm cả các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được cân đối vào NSNN).
Đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trường hợp quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu của chủ đầu tư, BQLDA tại Thông tư này có sự khác biệt với Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì áp dụng theo Hiệp định và điều ước quốc tế đó...
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017 và thay thế Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2014 của Bộ Tài chính.
Bổ sung hồ sơ xóa nợ thuế với doanh nghiệp bị phá sản
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 79/2017/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung tiết b1 Điểm b Khoản 4 Điều 48 Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.
Theo quy định tại Thông tư 79/2017/TT-BTC, hồ sơ xóa nợ tiền thuế đối với doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản sẽ bao gồm: Văn bản đề nghị xoá nợ tiền thuế của cơ quan thuế quản lý trực tiếp (theo mẫu số 01/XOANO ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC); quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án; tài liệu phân chia tài sản của chấp hành viên thể hiện số nợ thuế thu hồi được hoặc không thu hồi được; quyết định về việc đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan thi hành án dân sự.
Các tài liệu trên có thể là bản chính hoặc bản sao y bản chính.
Thông tư 79/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2017.
Quy định mới về điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 84/2017/TT-BTC quy định về điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan; nơi kiểm tra hàng hóa; nơi lắp đặt trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan; kho chứa tang vật vi phạm tại kho ngoại quan, địa điểm thu gom hàng lẻ, kho hàng không kéo dài, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung, địa điểm chuyển phát nhanh, hàng bưu chính theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.
Theo quy định của Thông tư, nơi làm việc của cơ quan hải quan tại các kho bãi, địa điểm được tổ chức, cá nhân kinh doanh kho bãi, địa điểm đầu tư xây dựng và phải đảm bảo các điều kiện sau:
Vị trí nằm trong diện tích khu vực kho bãi, địa điểm dự kiến công nhận mới hoặc đã được công nhận hoặc nằm trong cùng một khu đất thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát hải quan.
Có diện tích tối thiểu 20 m2, được ngăn cách với khu vực xung quanh, đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
Đối với các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa tập trung tại các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, văn phòng làm việc của hải quan có diện tích tối thiểu 50 m2.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/9/2017./.