• English

Tin thị trường

Chính phủ kiến tạo và sinh khí mới của nền kinh tế

(Chinhphu.vn) – Nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ niềm tin vào triển vọng kinh tế 2017, với cơ sở của niềm tin là sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo, Chính phủ đã có cái nhìn tổng thể trong giải quyết từng việc cụ thể, nhìn thấu chuyện dài hạn trong xử lý việc ngắn hạn.

Tại toạ đàm “Kinh tế 2017 và sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo” do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) vừa tổ chức, những câu hỏi được đặt ra là dấu ấn nổi bật nhất của Chính phủ nhiệm kỳ mới là gì và Chính phủ đã thực hiện tới đâu vai trò kiến tạo phát triển?

Tham dự sự kiện này có nhiều chuyên gia kinh tế như Trương Đình Tuyển, Nguyễn Quang Thái, Trần Đình Thiên, Nguyễn Đình Cung, Võ Trí Thành... và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Các ý kiến tại hội thảo đều có những nhìn nhận bước đầu khá tích cực về vai trò của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu. GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam bày tỏ niềm tin vào triển vọng kinh tế 2017, với cơ sở của niềm tin là sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo.

Còn ông Vũ Tiến Lộc nêu 8 từ khoá quan trọng của 2016: Chính phủ kiến tạo, quốc gia khởi nghiệp. “Cộng đồng doanh nghiệp đã “bỏ phiếu” cho Chính phủ bằng việc hăng hái thành lập doanh nghiệp mới, lần đầu tiên số doanh nghiệp mới vượt 100 ngàn, đó là tín hiệu cho mùa khởi nghiệp mới của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét, nhiều thông điệp được Thủ tướng đưa ra đặc biệt ấn tượng, tạo niềm tin khá mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Nhìn cả quá trình từ khi Chính phủ được kiện toàn, ông Thiên khái quát, điều ấn tượng nhất là Chính phủ đã có cái nhìn tổng thể trong giải quyết từng việc cụ thể, và nhìn thấu chuyện dài hạn trong xử lý việc ngắn hạn.

“Đây là điểm rất khác, lâu nay tôi có cảm tưởng điều hành luôn chạy theo ngắn hạn, đến nay kết quả của ấn tượng trên cũng chưa rõ ràng, nhưng dự cảm là khá rõ ràng”, ông Thiên nói.

Cụ thể, tầm nhìn của Chính phủ thể hiện qua Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, qua việc xác định vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân, cho tới việc giải quyết vụ quán cà phê Xin Chào.

Ví dụ thứ hai được ông Thiên nêu là cuối năm 2016, trước kỳ họp Quốc hội, dù dự báo mục tiêu tăng trưởng gần như chắc chắn không đạt, nhưng Thủ tướng vẫn cho rằng không cần điều chỉnh.

“Tôi đánh giá cao thông điệp Thủ tướng đưa ra là không việc gì phải điều chỉnh, vì nếu điều chỉnh thì hoàn thành  nhiệm vụ về mặt ngắn hạn, nhưng không có cơ hội kiểm điểm những vấn đề dài hạn có vấn đề gì về cơ cấu hay không. Việc này phản ánh cách nhìn không chạy theo chủ nghĩa thành tích”, ông Thiên nói.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, thông điệp Chính phủ kiến tạo, liêm chính được Thủ tướng nói liên tục, ở nhiều nơi. Điều quan trọng là từ tuyên bố này, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh thực hiện thế nào.

Nhưng ông Cung cũng cảm nhận được dấu hiệu hành động đã thấy rất rõ ở Bộ Công Thương, khi mà có những điều đã được cổ suý bãi bỏ nhiều năm nay đến nay mới có thể bỏ được.

Các chuyên gia cũng thảo luận nhiều về nội hàm của khái niệm “Chính phủ kiến tạo”.

GS. Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam bày tỏ quan điểm, Chính phủ kiến tạo không chỉ cải thiện môi trường đầu tư mà cần cải cách thể chế, đổi mới tư duy phát triển, quyết tâm vượt khó, đưa dân tộc vượt qua thách thức. Đó là điều quan trọng nhất.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành cho rằng có 4 chiều cạnh quan trọng nhất của Chính phủ kiến tạo.

Chính phủ kiến tạo phải đủ năng lực, đủ minh  bạch, đủ khả năng giải trình. Hai là có đủ khả năng tạo ra tầm nhìn tốt và chính sách tốt. Thứ ba, một Chính phủ kiến tạo là Chính phủ tương tác thân thiện với xã hội, người dân, với thị trường và doanh nghiêp với sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cuối cùng, Chính phủ kiến tạo là biết tạo ra và chia sẻ sự phát triển.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, đã có những điều có thể rất hài lòng với Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhưng còn nhiều điều vẫn ở  trong kỳ vọng.

Ông nhận xét: “Chính phủ mới cần thời gian để hoàn thiện mình, để thử thách, trải nghiệm và tương tác với xung quanh, nhưng đã bắt đầu tạo lập được niềm tin với thông điệp về cải cách và nỗ lực cải cách, đã xắn tay áo vào một số việc, dù nhìn tổng thể vào 4 chiều cạnh như đã nói trên thì khoảng cách để được một Chính phủ kiến tạo - dù tương đối - còn khá xa”.

Còn theo cách hiểu của TS Nguyễn Đình Cung, quản lý Nhà nước phải vì phát triển, phục vụ phát triển và đáp ứng yêu cầu phát triển, chứ không phải Nhà nước có năng lực đến đâu thì quản đến đó, nếu được như vậy thì có thể những điểm nghẽn lại thành cơ hội phát triển.

Thành Đạt


Đăng ký nhận tin
KienlongBank