• English

Tin thị trường

Chìa khoá để cơ cấu lại nguồn thu

“Các NH Việt Nam nên tăng cường dịch vụ về thanh toán quốc tế, đặc biệt khi Hiệp định CPTPP vừa được ký kết thì vấn đề mậu dịch chắc chắn sẽ được tăng cường. Từ đó, thanh toán quốc tế giữa các quốc gia thành viên sẽ được đẩy mạnh hơn, gián tiếp thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam”, một chuyên gia bày tỏ.

Hạn chế “độc canh” tín dụng là một trong những yêu cầu đặt ra của NHNN với hệ thống NHTM. Năm 2017, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của hệ thống NH theo công bố của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia tăng 34,7%.

Bên cạnh các khoản tăng phí từ dịch vụ thanh toán, một số TCTD cũng ký kết các hợp đồng hợp tác độc quyền, toàn diện với những công ty bảo hiểm lớn kỳ hạn lên tới 10 - 15 năm, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu dịch vụ lớn trong thời gian tới. Tuy vậy, lãi thuần từ hoạt động tín dụng hiện vẫn chiếm tới 79,1% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh. Tăng thu từ dịch vụ tuy ngày càng được chú trọng nhưng thực tế vẫn chưa thực sự đột phá và còn gặp nhiều cản trở.

Thực tế cho thấy thu từ hoạt động phi tín dụng của các TCTD tuy đã cải thiện nhiều nhưng vẫn cách khá xa so với kỳ vọng. Không giống như thời gian trước các NHTM chỉ thường chú trọng về con số lợi nhuận tăng cao từ hoạt động tín dụng, hiện nay họ đã đặt mục tiêu nhiều hơn với thu từ dịch vụ. Đây cũng là xu hướng phát triển phù hợp với sự vận động, phát triển của thị trường thế giới. Song, muốn là một chuyện, thực tế lại là câu chuyện khác khi các NH vẫn trầy trật để tăng thu từ dịch vụ. Trong đó, hai yếu tố gây nhiều khó khăn nhất hiện nay là hạ tầng công nghệ và thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Đề cập đến những nguyên do cũng chính là trở ngại trong việc NH thu từ hoạt động phi tín dụng, theo một chuyên gia tài chính: người dân phải có mức thu nhập khá trở lên mới hy vọng họ sử dụng nhiều tới dịch vụ NH.

“Thu nhập trung bình của Việt Nam còn thấp để có thể triển khai được điểm này một cách tích cực. Chúng ta nhận lương qua tài khoản, nhưng số tiền chỉ vài triệu thì phần lớn sẽ rút tiền mặt chi tiêu, như vậy thì làm sao còn nói tới thẻ tín dụng, chuyển khoản… được. Dù rằng năm 2017, tỷ lệ rút tiền mặt giảm chỉ còn khoảng 10%, song thu nhập trung bình của Việt Nam phải được tăng lên đáng kể mới có thể giúp người dân có một số tiền để dành cho việc chuyển tiền và quan tâm những dịch vụ khác”, vị này chia sẻ.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế tiền mặt. Điểm nghẽn ở đây chính là những thành phần kinh tế chấp nhận phi tiền mặt còn khá khiêm tốn. Muốn tăng thu từ dịch vụ, thì tất yếu NH phải đầu tư nhiều cho hạ tầng công nghệ. Nhưng đầu tư nhiều mà khách hàng sử dụng ít dẫn tới việc nhà băng phải tăng phí, gây ra không ít phản ứng của “thượng đế”. Đâu là điểm “cân bằng”, hài hòa lợi ích của các bên là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm nay.

Theo các chuyên gia trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì thanh toán điện tử là lĩnh vực giàu tiềm năng. Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ: thanh toán nói chung và thanh toán số nói riêng là cửa ngõ để khách hàng tiếp cận các dịch vụ khác của NH như cho vay/thẻ tín dụng, tài khoản tiết kiệm, ngoại hối, bảo hiểm… đồng thời đóng vai trò như “mỏ neo” neo giữ và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa NH và khách hàng.

Thống kê cho thấy, những khách hàng có lượng thanh toán lớn nhiều khả năng hơn sẽ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của NH và có thể đem lại doanh thu cao gấp 15 lần so với các khách hàng chỉ thực hiện một vài giao dịch thanh toán và chỉ sử dụng duy nhất một sản phẩm, dịch vụ NH… Do đó, thanh toán điện tử đóng vai trò vô cùng quan trọng để thay đổi nhận thức, thói quen và hành động của người dân khi sử dụng dịch vụ NH. Điều này đồng nghĩa với việc nếu biết tận dụng thế mạnh của thanh toán điện tử, nhà băng sẽ có một nguồn thu dồi dào và ít rủi ro nhất.

Trong nền kinh tế toàn cầu, khi sự vận chuyển của hàng hoá ngày càng nhanh chóng, cũng đòi hỏi đi cùng với đó việc thanh toán, giao dịch tiền bạc phải được đáp ứng kịp thời bằng công nghệ. Đây là yếu tố có thể bù trừ cho việc thanh toán truyền thống còn chậm.

“Các NH Việt Nam nên tăng cường dịch vụ về thanh toán quốc tế, đặc biệt khi Hiệp định CPTPP vừa được ký kết thì vấn đề mậu dịch chắc chắn sẽ được tăng cường. Từ đó, thanh toán quốc tế giữa các quốc gia thành viên sẽ được đẩy mạnh hơn, gián tiếp thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam”, một chuyên gia bày tỏ.

Thêm nữa, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng nhấn mạnh, giao dịch thanh toán cung cấp cho NH nhiều dữ liệu đa dạng về mua sắm và hành vi tiêu dùng của khách hàng. Nhờ đó, NH có thể phân tích dữ liệu và ứng dụng những hiểu biết sâu sắc về khách hàng để cải thiện hành trình, trải nghiệm số của khách hàng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ nhiều giá trị gia tăng hơn. Khi khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn cũng có nghĩa NH được hưởng lợi tương ứng từ nguồn thu này.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank