Chia sẻ của ông về kết quả kinh doanh 2016 của Ngân hàng?
Đến cuối năm 2016, tổng tài sản Kienlongbank đạt 30.451 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động được mở rộng lên 117 đơn vị; tổng huy động vốn đạt 26.367 tỷ đồng, tăng 24,06% so với năm 2015; dư nợ tín dụng đạt 19.766 tỷ đồng, tăng 21,88% so với năm 2015; giảm tỷ lệ nợ xấu từ mức 1,13% xuống 1,06%; thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng hơn ba lần so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 151,63 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2016, Kienlongbank chính thức phát hành thẻ tín dụng quốc tế Kienlongbank Visa, gia nhập mạng thanh toán toàn cầu của tổ chức thẻ quốc tế Visa; hoàn tất đăng ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, chuẩn bị đưa cổ phiếu Kienlongbank giao dịch trên trên sàn Upcom trong quý II/2017.
Vì sao lợi nhuận Kienlongbank trong năm qua không đạt kế hoạch đưa ra?
Sỡ dĩ lợi nhuận Ngân hàng không đạt chỉ tiêu đưa ra do năm 2016, Kienlongbank đã xét miễn/giảm lãi hơn 1.100 trường hợp khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh với số tiền gần 220 tỷ đồng, nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng, đưa mặt bằng lãi suất cho vay của toàn hệ thống về mức hợp lý so với thị trường; tăng trích lập các khoản dự phòng để tích lũy nguồn lực xử lý rủi ro, tăng 85,3 tỷ đồng so với năm 2015.
Cũng trong năm 2016, Kienlongbank đã đưa vào hoạt động 14 đơn vị kinh doanh mới trên toàn quốc làm cho chi phí hoạt động của Ngân hàng tăng thêm so với năm 2015.
Mặc dù lợi nhuận năm 2016 không đạt kế hoạch đề ra, nhưng Kienlongbank đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu quan trọng được giao, đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững, tạo nền tảng vững chắc để Kienlongbank tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thời gian gần đây lợi nhuận của Kienlongbank có chiều hướng giảm trong khi các chỉ tiêu khác đều tăng. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Thực hiện chủ trương của NHNN, Kienlongbank đã xây dựng đề án tái cơ cấu giai đoạn (1) 2013 - 2015 và giai đoạn (2) 2016 - 2020 với định hướng trọng tâm của giai đoạn 1 là ổn định hoạt động; phát triển an toàn, bền vững; tập trung giải quyết nợ xấu, nợ có lãi suất dự thu cao; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động; cơ cấu lại tình hình tài chính; kiện toàn bộ máy hoạt động của Kienlongbank...
Ông Võ Văn Châu
Sau 4 năm thực hiện, hoạt động của Kienlongbank đã có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt mục tiêu đã đặt ra, có thể nói đây là kết quả rất đáng khích lệ và rất có ý nghĩa trong điều kiện thực tế của Kienlongbank trước khi tiến hành tái cơ cấu.
So với năm 2012, tổng tài sản Kienlongbank hiện tăng 11.870 tỷ đồng (từ 18.581 tỷ đồng lên 30.451 tỷ đồng); mạng lưới hoạt hoạt động tăng 22 đơn vị (từ 95 lên 117); tổng huy động vốn tăng 11.616 tỷ đồng (từ 14.751 tỷ đồng lên 26.367 tỷ đồng); dư nợ tín dụng tăng 10.083 tỷ đồng (từ 9.683 tỷ đồng lên 19.766 tỷ đồng); giảm tỷ lệ nợ xấu từ mức 2,93% xuống 1,06%; lợi nhuận bình quân 247,6 tỷ đồng/năm.
Có thể nói yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu lợi nhuận của Kienlongbank trong thời gian qua là lãi suất dự thu của Kienlongbank giai đoạn trước 2013 cao làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ của khách hàng cũng như giảm tính cạnh tranh của Kienlongbank. Do đó, Kienlongbank đã mạnh dạn từng bước giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2016, Kienlonbank đã giải quyết miễn/giảm hơn 3.200 trường hợp khách hàng gặp khó khăn với số tiền miễn/giảm hơn 500 tỷ đồng. Kienlongbank chấp nhận “hy sinh” một phần lợi nhuận để quyết tâm hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu đã đề ra, những giải pháp này được cổ đông và Ngân hàng Nhà nước ủng hộ, đánh giá cao.
Qua đó, tình hình tài chính của Kienlongbank đã được cải thiện đáng kể về mặt chất lượng và tính bền vững, khả năng cạnh tranh được nâng lên rõ rệt, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, thương hiệu Kienlongbank ngày càng được nhiều người biết đến, số lượng khách hàng đã tăng lên đáng kể từ 162,1 ngàn khách hàng lên 385,6 ngàn khách hàng, làm tiền đề phát triển cho thời gian tới.
Tình hình đầu tư, phát triển mạng lưới trong thời gian vừa qua cũng góp phần làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận của Ngân hàng, thưa ông?
Hoạt động ngân hàng là ngành có nhiều đặc thù, đòi hỏi cơ sở vật chất phải đạt những điều kiện cơ bản, khang trang, hiện đại và phải có tính ổn định cao. Do đó, thời gian qua, Kienlongbank đã triển khai đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp nhiều trụ sở làm việc nhằm đáp ứng nhu giao dịch ngày càng tăng và góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khi khách hàng đến giao dịch với Kienlongbank.
Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, Kienlongbank đã mở rộng thêm 22 đơn vị kinh doanh trên toàn quốc, nên nhu cầu về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, nhu cầu về nhân sự, đào tạo nâng cao nghiệp vụ hàng năm tăng cao góp phần làm tăng chi phí hoạt động ảnh hưởng đến lợi nhuận hàng năm của Kienlongbank. Số lượng nhân viên chính thức năm 2012 là 1.500 người đến năm 2016 là 2.252 người.
Từ năm 2013 đến năm 2016, Kienlonbank đã giải quyết miễn/giảm hơn 3.200 trường hợp khách hàng gặp khó khăn với số tiền miễn/giảm hơn 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, về dài hạn khi các đơn vị đi vào hoạt động ổn định sẽ đóng góp rất lớn vào kết quả hoạt động chung của Kienlongbank. Với nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và linh loạt trong thời gian vừa qua, Kienlongbank đã cơ bản giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại từ khi thành lập và đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả chiều sâu lẫn chiều rộng qua các năm. Trên cơ sở đó, Kienlongbank rất kỳ vọng vào tình hình hoạt động trong giai đoạn sắp tới.
Kế hoạch kinh doanh cho năm 2017 của Kienlongbank sắp trình ĐHCĐ ra sao,? Cơ sở nào ngân hàng có thể đạt được kế hoạch xây dựng cho năm nay?
Hiện Kienlongbank đã hoàn tất dự thảo các chỉ tiêu kế hoạch và giải pháp thực hiện trong năm 2017. Theo đó, Kienlongbank tập trung duy trì, phát triển các phân khúc khách hàng truyền thống và có nhiều lợi thế như lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, bà con nông dân, tiểu thương, sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ.
Kế hoạch năm 2017 Ngân hàng dự kiến: Tổng tài sản 36.500 tỷ đồng, tổng vốn huy động 32.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay 24.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, bình quân mỗi quý lợi nhuận đạt dự kiến là 62,5 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2017, lợi nhuận trước thuế Kienlongbank đạt trên 72 tỷ đồng. Với quy mô hoạt động hiện tại cùng những kinh nghiệm và nền tảng phát triển mới, chúng tôi tin rằng, các mục tiêu kế hoạch năm 2017 sẽ đạt được như đề ra và kể từ năm 2018, lợi nhuận hàng năm dự kiến sẽ không thấp hơn 300 tỷ đồng/năm.
Thùy Vinh thực hiện!/ Báo Đầu tư Chứng khoán