• English

Tin thị trường

Cấp mã truy xuất nguồn gốc nông sản: Đảm bảo sản phẩm an toàn

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc của các loại thực phẩm đang bày bán trên thị trường.

Thời gian qua, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã tích cực cấp mã tài khoản quản trị cho nhiều DN, cơ sở sản xuất nông sản. Đây được coi là một giải pháp hữu hiệu trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản với các chức năng kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, phát triển thương mại điện tử kết nối cung cầu. Đồng thời, bảo vệ người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ quét mã sản phẩm. 

Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với thực phẩm an toàn, các DN đã và đang áp dụng những công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm theo tiêu chuẩn Gap, GlobalGap, ASC, BAP… Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc của các loại thực phẩm đang bày bán trên thị trường.

Chị Hoàng Phương Thúy (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, chị có thói quen mua hàng hóa tại các siêu thị, đặc biệt là thực phẩm. Được biết nhiều loại thực phẩm hiện nay đã được cấp mã QR code giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc nên chị đã cài đặt phần mềm trên điện thoại di động. Vì vậy mỗi lần mua hàng tại siêu thị chị chỉ cần dùng điện thoại để quét mã QR là biết được nguồn gốc, xuất xứ của từng sản phẩm như tên sản phẩm, tên DN, thời gian sử dụng, ngày sản xuất… “Những thông tin này giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về những sản phẩm mà mình mua”, chị Thúy nhấn mạnh.

Có thể thấy, với những quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm, các DN cũng dần chuyển hướng sản xuất sản phẩm sạch và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó việc truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng đang được chính quyền và các DN quan tâm. Bên cạnh việc đảm bảo cho người tiêu dùng tin tưởng vào nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm còn giúp các DN quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mình.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân ở Hà Nội là rất lớn, mỗi tháng vào khoảng trên 7 nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nông lâm thủy sản. Để đáp ứng nhu cầu này, Hà Nội đã tăng cường phối hợp, đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành để phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn. Trên địa bàn Hà Nội đã hình thành 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, 128 siêu thị, 454 chợ và 600 cửa hàng tiện ích tiêu thụ nông sản an toàn. Toàn thành phố đã có 123 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 71 cơ sở trồng rau an toàn... Tuy nhiên để đảm bảo các sản phẩm an toàn đến được với người tiêu dùng, rất cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, trong đó có việc áp dụng mã truy xuất nguồn gốc cho các DN.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, cùng với chủ trương đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, Sở đã xây dựng thành công Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm tại địa chỉ: hn.check.net.vn. Hiện nay, đã thực hiện cấp mã QR truy xuất nguồn gốc thông tin cho trên 3.200 dòng sản phẩm nông nghiệp. Khi tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc, các DN được quyền công khai các nội dung liên quan đến quá trình hình thành sản phẩm, giá sản phẩm, thông tin liên hệ, địa chỉ, điện thoại, xuất xứ nguồn gốc, cơ sở pháp lý, truyền thông quảng bá hình ảnh về sản phẩm và nhà sản xuất. Các thông tin này được một cơ quan độc lập có thẩm quyền thẩm định và kiểm soát.

Trong thời gian gần đây, sản phẩm Cam đường Kim An (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã được tiêu thụ rộng rãi và được người tiêu dùng tin tưởng. Với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội về cách chọn giống, trồng trọt, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với chất lượng được đảm bảo, lượng tiêu thụ cam cũng tăng mạnh.

Cùng với việc đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra, Chi cục đã hỗ trợ địa phương ứng dụng tem điện tử thông minh trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam đường Kim An. Chính vì vậy đã có nhiều DN ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cam đường của nông dân Kim An với giá 45.000-50.000 đồng/kg. Đại diện UBND xã Kim An cho rằng với việc dán tem điện tử giúp cho sản phẩm Cam đường Kim An nhanh chóng khẳng định được thương hiệu, đồng thời đảm bảo uy tín đối với các đơn vị phân phối cũng như người tiêu dùng.

Mới đây, Sở Công thương Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch về đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố năm 2019. Theo Sở Công thương Hà Nội, sử dụng mã hình QR sẽ hạn chế tình trạng gian lận thương mại, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá DN uy tín, có thương hiệu, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng xác định trực tuyến nguồn gốc, thống kê, theo dõi quá trình lưu thông, phân phối các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn thành phố.

Trên thực tế, theo Luật ATTP thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc. Bởi vậy các DN cũng phải thực hiện việc dán tem điện tử. Theo các chuyên gia, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc là điều tất yếu giúp các DN tạo uy tín đối với người tiêu dùng, đặc biệt đảm bảo được chất lượng hàng nông sản để có thể xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank